Bộ TT&TT đang lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân đối với dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Tại dự thảo tờ trình về việc xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Bộ TT&TT cho biết, sau gần 15 năm thực hiện, Luật Giao dịch điện tử cùng với các Luật CNTT, Viễn thông, Tần số vô tuyến điện, An toàn thông tin mạng, An ninh mạng và các luật chuyên ngành khác đã tạo hành lang pháp lý hỗ trợ đẩy mạnh mẽ ứng dụng CNTT, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào cải cách hành chính.
Tuy nhiên, dù có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, song trước bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn bộc lộ một số vấn đề tồn tại, hạn chế.
Do đó, việc xây dựng dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua là rất cần thiết, nhằm hiện thực hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng, giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực thi Luật Giao dịch điện tử năm 2005, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số, xã hội số, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.
Trong dự thảo tờ trình, Bộ TT&TT nêu rõ các mục đích hướng tới của việc xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế về giao dịch điện tử; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn hơn 15 năm thi hành cũng như những bất cập nảy sinh giữa các quy định của Luật Giao dịch điện tử với các văn bản quy phạm pháp luật khác được Quốc hội ban hành sau.
Cụ thể, xây dựng một Luật thống nhất, tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện để thực hiện chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực và vẫn thực hiện đúng theo phân công quản lý nhà nước hiện nay mà các bộ ngành sẽ chịu trách nhiệm đúng theo mảng, lĩnh vực được phân công.
Khắc phục được những bất cập, tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, đặc biệt là đối với vấn đề bảo đảm giá trị pháp lý của giao dịch điện tử; luật hóa các vấn đề thực tiễn yêu cầu và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.
Khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch truyền thống trong môi trường thực. Quy định cụ thể về các điều kiện bảo đảm giá trị pháp lý của giao dịch điện tử. Đồng thời, ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng việc đưa ra các quy định, chính sách thực hiện giao dịch điện tử rẻ hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn, an toàn hơn giao dịch truyền thống.
Bộ TT&TT cũng cho biết, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 có kết cấu 54 điều và chia thành 8 chương. Sau khi sửa đổi, bổ sung, dự kiến, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ có bố cục gồm 11 chương với 103 điều. Các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào các nhóm nội dung chính trong 9 chính sách đã được Chính phủ thông qua, bao gồm: Quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử, theo đó đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội; Quy định đảm bảo giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu nhằm giải quyết bất cập của Luật Giao dịch điện tử năm 2005; Quy định bảo đảm giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, quản lý dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử...
Trước đó, tại Nghị quyết 152 ngày 3/12/2021 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11/2021, Chính phủ cơ bản thống nhất về sự cần thiết, quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật Giao dịch điện tử nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật để có các chính sách mới phù hợp.
Đồng thời, không để khoảng trống pháp lý vì các công nghệ mới phát triển rất nhanh đang tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; thúc đẩy các giao dịch điện tử tin cậy, an toàn, phù hợp với thông lệ quốc tế để thực hiện nhanh hơn và hiệu quả hơn quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Chính phủ đã giao Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.
Theo Vietnamnet.vn