Xuất khẩu dệt may tăng trưởng tốt
Tổng cầu dệt may thế giới năm 2017 ước đạt 674,3 tỷ USD, giảm nhẹ 0,85% so năm 2016. Trong đó, nhập khẩu dệt may của Mỹ ước đạt 113,3 tỷ USD (giảm 0,2%), của EU ước đạt 245,4 tỷ USD (giảm 0,3%). Cùng với đó, áp lực của Hiệp định TPP bị dừng lại làm tình hình xuất khẩu dệt may của VN trong những tháng đầu năm hết sức khó khăn. Tuy nhiên, ngành Dệt May đã từng bước ổn định, vượt qua thách thức, hoàn thành vượt mục tiêu đề ra với kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt hơn 31 tỷ USD, tăng trưởng 10,23% so với năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc đạt 25,795 tỷ USD, tăng 8,27% so với năm 2016; Xuất khẩu vải đạt 1,354 tỷ USD, tăng 25,6%; Xuất khẩu xơ, sợi, dệt các loại đạt 3,604 tỷ USD, tăng 23,03%; Xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 1,208 tỷ USD, tăng 13,53% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu vải mành kỹ thuật khác đạt 451 triệu USD tăng 8,72%. Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 18,91 tỷ USD, tăng 11,43% so với năm 2016.
Bên cạnh việc giữ vững, đạt mức tăng trưởng tốt ở những thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngành Dệt May cũng đã nỗ lực phát triển đa dạng các thị trường và có sự bứt phá tại các thị trường khác như: Trung Quốc, Nga, Campuchia… Ngoài các mặt hàng dệt may truyền thống thì các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may… cũng có sự tăng trưởng tốt.
Vượt qua những thách thức của năm 2017, năm tới, ngành Dệt May Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi. Đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định CPTPP dự kiến được ký kết sẽ là đòn bẩy quan trọng trong hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi rộng mở thị trường cho ngành Dệt May.
Toàn ngành đặt mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 34 tỷ USD. Trong đó, sẽ tập trung đầu tư tái cơ cấu nội bộ ngành, áp dụng công nghệ tiên tiến để tự cân đối dần các khâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; Chuyển dịch sản xuất theo vùng lãnh thổ; Tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp dệt may trong nước, doanh nghiệp trong nước với đầu tư nước ngoài; Khai thác thị trường truyền thống song song khai thác thị trường mới.
Sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn tiếp tục tăng trưởng
Tổng doanh thu của Vinatex cả năm 2017 đạt 45.550 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2016 và đạt 100,2% kế hoạch năm 2017. Lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 1.434 tỷ đồng, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, doanh thu nội địa đạt 10.385,7 tỷ đồng, chiếm 22,8% trong tổng doanh thu, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2016. Đối với thị trường nội địa, sản phẩm may vẫn là sản phẩm mang lại doanh thu cao nhất so với sợi và vải, đạt 4.002,8 tỷ đồng, chiếm 38,5% tổng doanh thu nội địa, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Chiến lược phát triển thị trường nội địa đang được Vinatex đẩy mạnh
Trong năm 2017, Tập đoàn và các đơn vị thành viên tập trung vào thực hiện 30 dự án đầu tư chiều sâu và khai thác hiệu quả dự án, trong đó: Tập đoàn làm chủ đầu tư 01 dự án (Nhà máy May Quế Sơn), các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư 29 dự án (trong đó có 2 dự án đầu tư nhà máy dệt, nhuộm; 2 dự án đầu tư nhà máy may; 15 dự án đầu tư chiều sâu, nâng cấp máy móc thiết bị và 10 dự án đầu tư khác).
Năm qua, Tập đoàn cũng đã thực hiện tái cơ cấu, sáp nhập các phòng, ban, đơn vị, hỗ trợ kiện toàn bộ máy nhân sự tại hai Tổng công ty Dệt May miền Bắc và Tổng công ty Dệt May miền Nam để nâng cao năng lực chuỗi. Công tác tiền lương, thu nhập, chế độ cho người lao động, mức thu nhập của người lao động và việc làm của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn được bảo đảm với thu nhập bình quân 7,13 triệu đồng/người/tháng, tăng 7% so với năm 2016.
Xác định mục tiêu năm 2018
Trong năm 2018, Vinatex phấn đấu đạt mức doanh thu 48.500 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, Tập đoàn sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Vai trò của người đại diện; Thị trường; Đầu tư; Lao động và quản trị rủi ro. Theo đó, sẽ tăng cường tính chủ động trong công tác thị trường, đặc biệt tại các thị trường trọng tâm như Mỹ, EU, Nhật Bản và nâng cao tỷ trọng, thị phần xuất khẩu tại các thị trường lớn, tăng trưởng tốt kim ngạch xuất khẩu ngành sợi, sản phẩm may; Tăng cường tỷ trọng FOB, ODM trong xuất khẩu may nhằm tăng giá trị gia tăng; Theo dõi sát sao thị trường dệt may thế giới, thị trường nguyên phụ liệu, đồng thời tích cực tìm kiếm thị trường hàng may, phát triển thêm khách hàng lớn ổn định, đặc biệt khách hàng FOB mới, giữ vững khách hàng truyền thống, tiếp tục nhận thêm các đơn hàng gia công đảm bảo đủ nguồn hàng cho may. Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu đánh giá máy móc thiết bị công nghệ mới hiện đại, phục vụ cho việc đề xuất các dự án đầu tư mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm rút dần những bộ phận trung gian không cần thiết; Ứng dụng thực tiễn các nghiên cứu khoa học để cải tiến các thiết bị hiện có, nhằm giảm chi phí lao động, sản phẩm; Nghiên cứu đầu tư công nghệ cho công tác quản trị toàn hệ thống, đảm bảo với quy mô lớn có thể quản trị, minh bạch hóa thông tin ở toàn bộ các khâu…
Năm 2018 được dự báo sẽ là năm khởi sắc và có nhiều triển vọng của ngành Dệt May Việt Nam. Tuy nhiên, song hành với thuận lợi sẽ có những khó khăn nhất định. Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để ngành Dệt May phát triển, cũng đòi hỏi CBCNV trong toàn Tập đoàn Dệt May Việt Nam phải dồn sức để thay đổi công nghệ, bắt nhịp trong đầu tư, làm chủ được các sản phẩm đưa ra thị trường thế giới, nhằm tạo ra một nền công nghiệp dệt may phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả.
Nguyễn Hoa