Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và kinh tế thế giới cũng tạo điều kiện cho hàng dệt may tiếp cận thị trường tốt hơn. Nhiều năm trở lại đây, ngành Dệt may Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm và xác định đây là ngành công nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước, giữ vị trí đặc biệt trong công tác an sinh xã hội, tạo việc làm cho người lao động. Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may năm 2015 vẫn giữ vững vị trí thứ hai trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, xuất khẩu dệt may Việt Nam tại các thị trường lớn đều đạt tăng trưởng khá, từ 7-13% so với năm 2014 và tăng nhanh hơn các đối thủ cạnh tranh khác, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Vinatex đạt 2,37 tỷ USD. Hiện tại, với mặt hàng may mặc Vinatex đã tìm kiếm được 8 khách hàng thường xuyên, đang phát triển 20 khách hàng tại các thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản, với mức doanh thu đạt 1.520.000 USD. Đối với mặt hàng bông, xơ, sợi: đã tìm kiếm được 10 khách hàng thường xuyên, đang phát triển 30 khách hàng tại các thị trường Chi Lê, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Hàn Quốc, doanh thu đạt 550.000 USD.
Từ năm 2013 đến nay, đã có 11 hiệp định thương mại tự do hoàn thành đàm phán và được ký kết giữa Việt Nam và các nước trong khu vực châu Á, EU và các khu vực khác. Các hiệp định này đem lại cho Việt Nam nói chung và ngành dệt may nói riêng nhiều ưu đãi về thuế quan nhưng kèm theo đó là nhiều yêu cầu khắt khe đặc biệt về xuất xứ hàng hóa như các quy tắc từ sợi, vải… Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may trong nước đa phần có quy mô nhỏ, trình độ quản trị lạc hậu, liên kết chuỗi và nội bộ yếu, nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ các nước không tham gia hiệp định, nên rất khó đáp ứng các điều kiện nêu trên cũng như cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI. Để đáp ứng các yêu cầu của các FTAs, tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan, tăng cạnh tranh, Vinatex đã xác định rất rõ về tính tất yếu của việc hình thành liên kết chuỗi, tăng cường liên kết nội bộ để chuyên môn hóa, tăng năng lực cạnh tranh từ việc tập trung vào việc cải thiện chất lượng sản phẩm cốt lõi, sản phẩm thế mạnh trong từng khâu của chuỗi khép kín. Trong những năm qua, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đang dịch chuyển dần từ gia công với tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu cao sang hình thức sản xuất tự chủ nguyên liệu (FOB) và sản xuất trọn gói kèm thiết kế (ODM) để đáp ứng yêu cầu người mua và tạo giá trị gia tăng cao hơn.
Trước những điều kiện đối với ngành dệt may Việt Nam phải đáp ứng để được hưởng các ưu đãi thuế quan đối với từng dòng sản phẩm, Vinatex đã và đang tiếp tục xúc tiến tìm kiếm các thị trường mới nhằm mục tiêu tận dụng tối đa các ưu đãi của các hiệp định, giảm bớt các khâu trung gian và gia tăng biên lợi nhuận cho hàng dệt may.
Với chiến lược phát triển dài hạn, Vinatex tiếp tục xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn theo hướng vừa đáp ứng nhu cầu tăng năng lực sản xuất hiện tại của các đơn vị, vừa chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cần thiết đáp ứng các yêu cầu của các FTAs. Quá trình này đòi hỏi nhiều nỗ lực để cải cách toàn bộ hệ thống, đồng thời vẫn đảm bảo lợi ích của cổ đông và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn Tập đoàn cũng như thu nhập của người lao động.
Nhằm mở rộng quy mô, tăng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2015, Vinatex hoàn thành và đưa vào vận hành 3 dự án (Sợi Phú Hưng, May Kiên Giang, Vải Yarndyed) với tổng mức đầu tư 838 tỷ đồng, tăng năng lực sản xuất của Tập đoàn thêm 2,16 vạn cọc sợi với 4.700 tấn sợi/năm ; 20 chuyền may với 3,6 triệu sản phẩm quần âu/năm và 96 máy dệt với 10 triệu met vải yarndyed/năm. Ngoài ra còn một số dự án xây dựng nhà máy may tại khắp các tỉnh, thành trong cả nước đang được xây dựng như Nhà máy Sợi Nam Định, Nhà máy may Quảng Bình, Nhà máy may Kiên Giang… Dự kiến, khi đi vào hoạt động sẽ đem lại nhiều nguồn lợi nhuận cho Vinatex, đồng thời hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Nói về những đóng góp quan trọng của ngành Dệt may cho nền kinh tế của đất nước, Ông Trần Quang Nghị - Chủ tịch HĐQT Vinatex nhấn mạnh: Giá trị văn hóa, tinh thần, ý chí và sứ mệnh của Tập đoàn với đất nước sẽ lan tỏa tới các địa phương nơi Tập đoàn có các đơn vị trú đóng. Hình ảnh Tập đoàn là cánh tay nối dài qua người công nhân tới xã hội. Người công nhân là tế bào xã hội, họ làm việc để nuôi gia đình họ và cũng thông qua gia đình người công nhân mà hình ảnh, uy tín Tập đoàn được biết đến, trân trọng và lan tỏa.
Năm 2016 được nhận định sẽ là một năm khó khăn của ngành dệt may nói chung và Tập đoàn Dệt may nói riêng, chủ động nguồn nguyên phụ liệu, nâng cao giá trị gia tăng, đi lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu là những mục tiêu ngành Dệt May Việt Nam đang hướng tới nhưng xét một cách toàn diện về điều kiện kinh tế - xã hội và mặt bằng chung của các doanh nghiệp Việt Nam, quá trình này rất gian nan, đòi hỏi sự đầu tư lớn về công sức và thời gian cũng như tư duy dám nghĩ dám làm của lãnh đạo Ngành, Tập đoàn và các đơn vị, thế nhưng bằng ý chí và nỗ lực, ban lãnh đạo cùng tập thể CBCNV-LĐ Vinatex vẫn luôn kiên định, vững vàng trước mọi sóng gió để thay đổi những điều tưởng chừng không thể ấy, với quyết tâm tiếp tục đưa dệt may trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần CNH – HĐH đất nước.
Nguyễn Hoa