Thứ Sáu, 22/11/2024 13:48:32 GMT+7
Lượt xem: 2916

Tin đăng lúc 28-07-2017

Tập đoàn Dệt may Việt Nam và quyết tâm đổi mới trong thời kỳ hội nhập

Ngành Dệt may Việt Nam vừa trải qua “cơn bĩ cực” trong hoàn cảnh TPP không được thực thi. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2017, trước vô vàn khó khăn nhưng bằng sự cố gắng đổi mới và những nỗ lực để cải thiện tình hình, Dệt may Việt Nam nói chung và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nói riêng vẫn “tỏa sáng” với kết quả xuất khẩu tương đối khả quan.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam và quyết tâm đổi mới trong thời kỳ hội nhập
Ngành Dệt May Việt Nam đang tăng trưởng vững mạnh

Là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ngành Dệt may chiếm khoảng 16% kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp trên 10% giá trị sản xuất công nghiệp... Năm 2016, cả nước có trên 6.000 doanh nghiệp dệt may với trên 2,5 triệu lao động, trong đó các doanh nghiệp may có khoảng 4.424 doanh nghiệp, chiếm khoảng 73% tổng số doanh nghiệp trong ngành.

 

Trên thực tế, ngành Dệt may nói chung và Vinatex nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trước tiên do thách thức từ bên ngoài như việc Trung Quốc được coi là đối thủ cạnh tranh nặng ký với dệt may Việt Nam bởi quy mô sản xuất lớn, giá thành thấp, nhất là về nguồn lực, Trung Quốc giành lợi thế theo quy mô. Ngoài ra, trước xu thế hội nhập, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là mục tiêu lớn. Chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi các bước đáp ứng tốt nhất cả về chất lượng, giá cả và thời gian giao hàng. Hiện nay, chỉ có một số doanh nghiệp may đã đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên thị phần không nhiều, dẫn tới việc thiếu sự cạnh tranh và ổn định lao động, thiếu sự thu hút đối với người lao động. Ngoài ra, còn gây ra sự cạnh tranh gay gắt, giành giật khách hàng không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước và giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI.

 

Thêm vào đó, công nghiệp phụ trợ dệt may chưa phát triển. Tình trạng “Nút thắt cổ chai” tại công đoạn dệt, nhuộm vải không đủ phục vụ may bởi trên 70% vải là nhập khẩu, tạo ra sự phát triển mất cân đối. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hầu hết có quy mô vừa và nhỏ và với khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế, nếu không liên kết với một số doanh nghiệp lớn thì những doanh nghiệp này cũng khó tồn tại, chưa nói tới việc cạnh tranh quốc tế. Thực trạng hàng nhập lậu tràn lan trên thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp nội địa cũng là yếu tố ảnh hưởng làm cho ngành Dệt may trong nước gặp nhiều hạn chế…

 

Khó khăn là vậy, thế nhưng từ tháng 1/2017 đến nay, ngành Dệt may Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng xuất khẩu 2 con số. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 10,6% và cao hơn so với mức tăng 6,1% của cùng kỳ năm 2016. Đóng góp cho sự tăng trưởng cao chủ yếu nhờ xuất khẩu xơ, sợi trong vòng 6 tháng đạt 1,69 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc đạt 11,84 tỷ USD, tăng 9,1%, cao hơn mức tăng 6,4% của cùng kỳ năm 2016. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của ngành Dệt may trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn bất ổn và tình hình dệt may thế giới không khả quan.

 

Là “cánh chim đầu đàn” và cũng là đơn vị nòng cốt của ngành Dệt may Việt Nam, Vinatex luôn phấn đấu tăng trưởng vững mạnh trên tất cả các phương diện, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý nhằm giữ vững thị trường truyền thống, phát triển thêm thị trường mới; Vinatex còn mạnh dạn áp dụng những giải pháp quản lý tiên tiến để tăng nhanh hiệu quả SXKD vì đó là yếu tố sống còn... Sáu tháng đầu năm 2017, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 20.355 tỷ đồng, đạt 44,8 % kế hoạch năm, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2016; dự báo cả năm 2017 ước thực hiện 45.556 tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch năm, tăng 10.7% so với cùng kỳ năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu thực hiện ước tính 1.266 triệu USD đạt 44,5% kế hoạch năm, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2016; dự báo cả năm đạt khoảng 2.780 triệu USD đạt 100,8% kế hoạch năm, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2016.

 

Trong buổi làm việc giữa Tổ công tác Chính phủ với Tập đoàn Dệt may Việt Nam do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng là Trưởng đoàn vào ngày 20/6, Bộ trưởng cho rằng Vinatex đã có sự phát triển rất tốt về thị trường, tạo việc làm cho người lao động. "Vừa rồi Thủ tướng đi Mỹ, khi vào gian hàng của Ivanka Trump, con gái Tổng thống Donal Trump có thấy bán hàng "Made in Vietnam” nhưng nếu không xem tem, mác thì nghĩ là hàng sản xuất ở châu Âu chứ không ai nghĩ sản xuất ở Việt Nam... Hay khi sang Nhật, Thủ tướng tới Osaka vào thăm siêu thị Aeon của Nhật, gian hàng may mặc bán nhiều hàng “Made in Vietnam”, thậm chí, có ông Tổng thống sang Việt Nam còn mua 2 tải quần áo của May 10 vì rẻ quá, đẹp quá”. Bộ trưởng dẫn chứng và cho rằng hàng dệt may Việt Nam đã chinh phục những thị trường rất khó tính, quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

 

Tại Đại hội cổ đông thường niên của Vinatex năm 2017 được tổ chức mới đây, ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam khẳng định: Con đường duy nhất của Vinatex nói riêng và Dệt may Việt Nam nói chung là phải tăng được thị phần, lấy được khách hàng của các quốc gia dệt may khác. Muốn được như vậy, thì Vinatex buộc mình đứng trước áp lực đổi mới công nghệ. Phải đổi mới công nghệ càng sớm càng tốt, dù phải thắt lưng buộc bụng và giai đoạn 2017-2020 là phải thắt lưng buộc bụng để đầu tư mạnh vào công nghệ.

 

Trước những yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành Dệt may Việt Nam thì những nỗ lực để cải thiện tình hình nhằm tạo nên một diện mạo mới cho ngành Dệt may trở lên cần thiết hơn bao giờ hết. Là đơn vị chủ chốt của ngành, Tập đoàn Dệt may Việt Nam quyết tâm nâng cao năng lực quản lý và quản trị doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đổi mới mạnh mẽ hơn để phát triển và hội nhập nhằm phấn đấu trở thành một tập đoàn quy mô trong khu vực và quốc tế.

 

Nguyễn Hoa

 

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang