Thứ Sáu, 22/11/2024 04:42:24 GMT+7
Lượt xem: 3444

Tin đăng lúc 23-05-2018

Tập trung cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng

Năm qua, nước ta đã thu được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, kinh tế đối ngoại… Có được thành quả này, một phần lớn nhờ vào sự đột phá của Chính phủ về cải cách, từ đó tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp, tạo đà cho kinh tế tăng trưởng.
Tập trung cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng
Đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp

Kết quả từ những nỗ lực

 

Năm 2017, nước ta đã có rất nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính. Hành động mạnh mẽ nhất trong cải cách hành chính (CCHC) là từ Bộ Công Thương khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký quyết định ban hành phương án cắt giảm 675/1.216 điều kiện kinh doanh và 183 thủ tục hành chính thuộc quản lý của Bộ Công Thương. Tiếp theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118/345 điều kiện đầu tư kinh doanh; Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực đòi nợ; Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bãi bỏ một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sửa đổi 76/163 điều kiện đầu tư, kinh doanh; Bộ Xây dựng đang nghiên cứu đề xuất bãi bỏ 41,3% và đơn giản hóa 43,7% tổng số điều kiện kinh doanh…

 

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến ngày 08/02/2017, những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính thời gian qua đã có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và được người dân, doanh nghiệp (DN), cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Năm 2017 đã có gần 127.000 DN thành lập mới. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cũng cao nhất trong 10 năm qua, đạt mức kỷ lục gần 36 tỷ USD. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc so với năm 2016, xếp vị trí thứ 68/190 quốc gia và nằm trong nhóm dẫn đầu các nước ASEAN. Cùng với đó, năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 của Việt Nam tăng 5 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 12 bậc.

 

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra liên ngành và điều kiện đầu tư kinh doanh, hướng tới đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN – 4 về năng lực cạnh tranh và đầu tư kinh doanh trong năm 2018, ngày 15/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP nhằm sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Theo đó, 675 điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm thuộc 8 lĩnh vực: Xăng dầu; thuốc lá; điện lực; nhượng quyền thương mại; thương mại điện tử; hóa chất; vật liệu nổ công nghiệp; lĩnh vực kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương. Sau khi cắt giảm số điều kiện chỉ còn 591 điều kiện. Ngày 27/4/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục ký quyết định cắt giảm, đơn giản hóa 54 thủ tục hành chính. Như vậy, đây được xem là “cuộc cách mạng lần thứ 3” trong lịch sử ngành Công Thương.

 

Theo TS Trần Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương: “Bộ Công Thương đã tạo nên một thay đổi rất lớn trong môi trường kinh doanh mà Bộ quản lý. Nếu tất cả các Bộ đều thực hiện quyết liệt và dứt khoát như Bộ Công Thương thì đây chính là sự đột phá. Từ đó sẽ cải thiện được chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và nâng cao được năng lực cạnh tranh”.

 

Doanh nghiệp kỳ vọng hơn nữa

 

Có thể thấy, đối tượng thụ hưởng trong việc cắt giảm chính là các doanh nghiệp, họ ủng hộ và kỳ vọng hơn nữa trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh của ngành Công Thương. Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đặt ra câu hỏi: Sau khi cắt giảm, liệu có nẩy sinh ra những giấy phép con hay không?

 

Lý giải về vấn đề này, phía Bộ Công Thương khẳng định, cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh thể hiện một tư duy xuyên suốt của Bộ hơn một năm qua trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Chính vì thế sẽ khó có thể đã cắt đi rồi lại tái lập. “Một trong 5 nguyên tắc mà chúng tôi đề ra cho việc cắt giảm cũng như duy trì các điều kiện kinh doanh là phải tuân thủ các tiêu chí, quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014. Sau này, khi ban hành các điều kiện kinh doanh cũng phải tuân thủ các tiêu chí đó. Đây chính là yếu tố cản trở việc tái lập các điều kiện kinh doanh đã bị cắt giảm” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết.

 

Với những nỗ lực của Chính phủ trong đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh thời gian qua đã giúp giảm bớt các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài, làm cho các nhà đầu tư yên tâm hơn khi quyết định đầu tư dài hạn tại VN, tạo cơ hội việc làm, tăng giá trị doanh thu xuất khẩu, góp phần vào tăng trưởng kinh tế VN. Nhưng hiện nay, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, việc cắt giảm một số thủ tục mới chỉ là cắt giảm về số lượng, còn chất lượng của việc cắt giảm này lại không có giá trị thực tế. Điển hình, với nhóm ngành kinh doanh thực phẩm sẽ cắt giảm 215 điều khoản kinh doanh, một số điều khoản cắt giảm như: Cơ sở SXKD thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký DN, Giấy chứng nhận ĐKKD hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương. Tuy nhiên, trên thực tế, kinh doanh bất kỳ ngành nghề nào đều phải đăng ký giấy tờ trên. Hay với ngành nghề thương mại điện tử, Bộ Công Thương bỏ điều kiện thiết lập website TMĐT bán hàng cần có tên miền hợp lệ và tuân thủ về quy định quản lý thông tin trên internet. Tuy nhiên các DN cho rằng, việc cắt giảm điều kiện này cũng không có nhiều ý nghĩa vì nó không giúp hoạt động của DN thông thoáng hơn…

 

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, để việc thực hiện cải cách, cắt giảm các điều kiện kinh doanh được thuận lợi thì cần phải có cơ chế giám sát việc thực thi. Các bộ ngành khi có đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh thì cũng cần phải kèm theo đó là cơ chế đánh giá giám sát việc thực hiện, để đảm bảo rằng cải cách trên văn bản và thực tế có sự đồng nhất, đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của DN. Đảm bảo đây là sự thay đổi thực chất và DN thực sự là đối tượng được hưởng lợi từ quy định này của Chính phủ. Bên cạnh đó, cũng rất cần sự tham gia của tất cả các cơ quan, tổ chức cũng như người kinh doanh trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh tự do, cạnh tranh, thuận lợi, minh bạch, chi phí thấp, hiệu quả cao./.

 

Quỳnh Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang