Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng qua, cả nước có 87.448 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 878 nghìn tỷ đồng; tức tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn bình quân của một đơn vị đạt 10 tỷ đồng, tăng 4,3%. Bên cạnh đó, còn có gần 21.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy bức tranh doanh nghiệp khá sáng sủa và hứa hẹn sự đóng góp lớn hơn nữa đối với nền kinh tế.
Sở dĩ có được kết quả trên là do Chính phủ kiên định chủ trương đồng hành, phục vụ doanh nghiệp; hỗ trợ để doanh nhân, doanh nghiệp ra đời, phát triển bền vững. Các động thái và hoạt động điều hành từ tầm vĩ mô đến các bộ, ngành, địa phương đang từng bước phát huy tác dụng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng là ưu tiên của Chính phủ. Mục tiêu của Chính phủ là xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong đó, kiên quyết cắt bỏ rào cản là điều kiện kinh doanh bất hợp lý, thủ tục kiểm tra chuyên ngành không cần thiết…
Về công tác rà soát, với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, các bộ đã ban hành 15 văn bản thực thi cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Về điều kiện kinh doanh, đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa 968 điều kiện. Đây là một cố gắng đáng ghi nhận của các cơ quan quản lý, mặc dù vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu được phục vụ của doanh nghiệp...
Điểm đáng chú ý là chi phí, thời gian để thực hiện thủ tục của doanh nghiệp đang trên đà giảm mạnh. Nếu như năm 2016, doanh nghiệp mất 30 triệu ngày công cho việc hoàn tất thủ tục xuất nhập khẩu, thì năm 2017 (với 11 triệu bộ hồ sơ xuất nhập khẩu) doanh nghiệp đã tiết kiệm được nhiều thời gian và tiết kiệm 200 triệu USD - tương đương hơn 4.000 tỷ đồng nhờ việc cắt giảm điều kiện, thủ tục. Có thể dự báo, mức độ tiết kiệm khi kết thúc năm 2018 cũng sẽ khả quan và tương ứng với kết quả đơn giản hóa thủ tục.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan chức năng đang diễn ra tích cực, được các đơn vị đồng thuận, ghi nhận. Thời gian tới, doanh nghiệp mong muốn được tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; tập trung vào việc đáp ứng yêu cầu về mặt bằng sản xuất, tiếp cận vốn vay và vay vốn, đặc biệt là tiết kiệm thêm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, hải quan và thuế...
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, mục tiêu hỗ trợ doanh nhân, tiến tới hiện thực hóa làn sóng khởi nghiệp của Chính phủ cũng như bộ máy quản lý là xuyên suốt và rõ ràng. Vấn đề chủ yếu phụ thuộc vào hiệu quả của quá trình cải cách, chất lượng thể chế có đáp ứng nhu cầu ra đời, phát triển của doanh nghiệp hay không. Tất cả nhằm đạt mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và hơn thế là hình thành một đội ngũ doanh nghiệp ngày càng hoạt động hiệu quả, đóng góp nhiều hơn nữa vào nền kinh tế...
Nguồn Hanoimoi