Ngoài việc tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về vai trò, vị trí của việc phát triển làng nghề, tỉnh còn khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà khoa học, các cơ sở sản xuất nghiên cứu, thiết kế mẫu mã kiểu dáng sản phẩm để giữ được nét truyền thống và đáp ứng thị hiếu và đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong thời gian qua, công tác phát triển làng nghề tại tỉnh Bắc Giang vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan: Chỉ tính tới tháng 5/2019, có 39 làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận (trong đó có 14 làng nghề truyền thống và 25 làng nghề). Năm 2018, doanh thu từ các làng nghề đạt khoảng 506.870 triệu đồng, tổng số lao động trong làng nghề khoảng 5.811 lao động. Tùy theo từng nhóm ngành nghề có mức thu nhập khác nhau: Nghề mây tre đan có mức thu nhập bình quân khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng; Nghề sản xuất mỳ gạo có mức thu nhập bình quân khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng; Nghề mộc có mức thu nhập bình quân khoảng 4,5 - 8 triệu đồng/người/tháng...
Sản xuất bún khô tại phường Đa Mai
Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh bún bánh, nông sản sạch (phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác phát triển làng nghề truyền thống tại tỉnh Bắc Giang. Trước đây người dân làm bún theo cách truyền thống, nay các hộ đã dần đầu tư các loại phương tiện phục vụ sản xuất như: Máy vo gạo, máy xay bột, máy ép…, nhờ vậy mà tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, sợi bún ngon và đẹp hơn. Trung bình mỗi ngày, một hộ sản xuất từ 3 đến 6 tạ bún, thu lãi từ 400 đến 600 nghìn đồng. Hiện phường Đa Mai có hơn 100 hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm này với sản lượng từ 13-15 tấn/ngày.
Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng điểm trong công tác phát triển làng nghề như: Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương đầu tư cho ngành nghề, làng nghề thông qua các chương trình khuyến công, hỗ trợ dạy nghề, vốn chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, xây dựng hạ tầng xử lý ô nhiễm môi trường; Quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề tạo điều kiện giải quyết mặt bằng, để di dời các cơ sở trong làng nghề có nhu cầu mở rộng sản xuất vào hoạt động trong cụm công nghiệp, tránh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư; Xây dựng, quảng bá hình ảnh làng nghề, du lịch làng nghề bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, trên Website của các sở, ngành và địa phương; Tích cực tham gia chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, quốc gia nhằm quảng bá giới thiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường cho sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề.
Việc phát triển các làng nghề tại tỉnh Bắc Giang không chỉ giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, tạo sản phẩm hàng hoá phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, mà còn góp phần tăng nguồn thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Ngọc Bích