Tiếp và làm việc với Đoàn công tác, về phía UBND tỉnh Thanh Hóa có ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các Sở, ban ngành tỉnh Thanh Hóa. Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam có các ông Phạm Hồng Phương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn; Nguyễn Đức Thiện – Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc; Bùi Văn Kiên – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Hoàng Thanh Sơn - Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa cho biết, công tác quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Thanh Hóa được phê duyệt tại quyết định số 1477/QĐ-BCT ngày 26/4/2017 của Bộ Công Thương, theo đó tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân năm giai đoạn 2016 - 2020 là 14,4%, công suất lớn nhất đến năm 2020 Pmax đạt 1.150MW, điện thương phẩm đạt 5,923 tỷ kWh.
Giai đoạn 2021- 2023, phương án phát triển mạng lưới điện tỉnh Thanh Hóa đã được phê duyệt tại quyết định 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân năm giai đoạn 2021 - 2025 là 13,47%, dự kiến công suất lớn nhất đến năm 2025 Pmax đạt 2.149MW, điện thương phẩm đạt 9,619 tỷ kWh.
Ông Hoàng Thanh Sơn - Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa
Dự báo trong giai đoạn 2023 - 2025, tình hình phát triển phụ tải tại Thanh Hóa được đánh giá là rất lớn và tập trung ở một số khu vực như: Thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn và huyện Quảng Xương; Thị xã Nghi Sơn, các huyện Nông Cống, Như Thanh và Như Xuân; Thị xã Bỉm Sơn, các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung; Các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thường Xuân và Thọ Xuân; phía Tây tỉnh Thanh Hoá gồm 8 huyện: Lang Chánh, Ngọc Lặc, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Thạch Thành và Cẩm Thủy. Trong đó, nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang triển khai đầu tư đã đăng ký nhu cầu sử dụng điện giai đoạn 2023 - 2025 tăng thêm 949 MW.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Hồng Phương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cảm ơn sự phối hợp và ủng hộ của Lãnh đạo và UBND Thanh Hóa đối với ngành Điện trong giai đoạn cung ứng điện nhiều khó khăn vừa qua. Ông Phạm Hồng Phương cho biết, tình hình cung ứng điện thời gian tới tiếp tục sẽ còn có những khó khăn, chính vì vậy việc đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có vai trò rất quan trọng trong nhiệm vụ cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Phạm Hồng Phương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Ông Phương đề nghị UBND tỉnh Thanh Hoá tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban ngành và UBND các huyện tạo điều kiện và hỗ trợ các đơn vị thành viên của EVN trong công tác chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, bồi thường giải phóng mặt bằng theo mục tiêu tiến độ yêu cầu, đảm bảo đủ quỹ đất cho các công trình điện để thực hiện đầu tư theo quy hoạch được duyệt.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Thiện – Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc nhấn mạnh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có những chỉ đạo quyết liệt cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh để hỗ trợ ngành Điện Thanh Hóa vượt qua khó khăn trong tình hình cung ứng điện vừa qua. Đặc biệt Ban Chỉ đạo phát triển điện lực đã cùng các Sở, ban ngành của tỉnh đã tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ với Công ty Điện lực Thanh Hoá triển khai rất hiệu quả trong công tác đảm bảo hành lang an toàn lưới điện.
Ông Nguyễn Đức Thiện - Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc phát biểu tại buổi làm việc
Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Thiện cho biết, đứng trước tình hình tăng trưởng trên của tỉnh Thanh Hóa, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã tập trung triển khai thực hiện tại Thanh Hóa trong giai đoạn từ 2021 - 2025 với 35 dự án lưới điện 110 kV với tổng mức đầu tư 3.465,6 tỷ đồng. Trong đó đã hoàn thành 14 dự án với TMĐT 1.072,24 tỷ đồng; hiện có 21 dự án với TMĐT 2.393,4 tỷ đồng. Dự báo sau năm 2023, mức mang tải của các trạm biến áp 220kV trên địa bàn là rất cao. Do đó cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ các dự án đường dây, trạm biến áp 220kV trên địa bàn, đảm bảo tiến độ 21 dự án 110kV đang triển khai trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc triển khai các dự án điện hiện nay đang gặp một số vướng mắc khi thực hiện theo Quy hoạch điện VIII, trong khi Quy hoạch phát triển mạng lưới điện tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước thời điểm phê duyệt Quy hoạch điện VIII. Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Thiện đề nghị UBND tỉnh Thanh Hoá cần có có sự hiệu chỉnh Quy hoạch mạng lưới điện của tỉnh Thanh Hóa theo Quy hoạch điện VIII. Đồng thời, cần thiết phải xây dựng kế hoạch phát triển Điện lực giai đoạn 2021 - 2030, trong đó: bổ sung các căn cứ pháp lý, danh mục, sơ đồ lưới điện, phương án đấu nối… còn thiếu để các đơn vị ngành Điện, chủ đầu tư căn cứ triển khai thực hiện; kế hoạch thực hiện quy hoạch cũng cần đề cập đến kế hoạch sử dụng đất đồng bộ với tiến độ đầu tư các dự án điện.
Kết luận Hội nghị, ông Đỗ Minh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã cảm ơn EVN, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã nỗ lực trong công tác điều tiết điện, đáp ứng cơ bản nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Tập trung đầu tư triển khai nhiều dự án truyền tải lớn, nâng cấp chất lượng cung ứng điện, đặc biệt cho nhu cầu sản xuất tại các khu công nghiệp, nhà máy lớn.
Ông Đỗ Minh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kết luận Hội nghị
Đối với vấn đề quy hoạch lưới điện, ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty Điện lực Thanh Hóa rà soát lại quy hoạch phần điện trong quy hoạch tỉnh, có hướng đề xuất giải pháp cho phù hợp với quy hoạch điện lưới quốc gia. Nếu các dự án chưa có trong quy hoạch, các ngành tham mưu cho UBND tỉnh phải làm việc với Bộ Công thương để đưa vào các kế hoạch thực hiện mạng lưới điện.
Liên quan đến các dự án lưới điện truyền tải, ông Tuấn yêu cầu Sở Công thương phối hợp hỗ trợ Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia trong quá trình thực hiện các dự án; trong đó đặc biệt quan tâm tháo gỡ, đề xuất kịp thời các vướng mắc, phát sinh để đề xuất giải quyết nếu vượt thẩm quyền.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp rà soát, làm việc với khách hành tiêu thụ điện lớn trong khu công nghiệp, nắm lại nhu cầu về phụ tải để ngành điện xây dựng kịch bản cung cấp điện cho một dự án cụ thể.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất sẽ luôn tạo điều kiện và hỗ trợ trong công tác thực hiện các dự án, công trình điện trên địa bàn tỉnh; giao Sở Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp các khó khăn vướng mắc về việc bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; các ngành gặp khó khăn trong công tác thủ tục đầu tư dự án điện cần nghiên cứu, sớm báo cáo những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch, kế hoạch quy hoạch sử dụng đất, vấn đề chuyển đổi đất rừng để tỉnh kịp thời chỉ đạo và có hướng giải quyết, tạo điều thuận lợi nhất cho công tác triển khai các dự án điện trên địa bàn.
Việt Hạnh - Hùng Mạnh