Trong văn tự cũ, đoan có nghĩa là mở đầu, ngọ là thời khắc giữa trưa, tính theo hệ can chi nông lịch, tương ứng từ 11 giờ đến 13 giờ. Đoan Ngọ vì thế là khoảng giữa trưa ngày 5 tháng 5, được coi là ngày mặt trời chiếu rọi thẳng và ngắn nhất. Theo triết học Đông phương, đây là ngày khí dương mạnh nhất trong năm, nên gọi là ngày cực dương, người ta mừng sự trong sáng và quang đãng của trời đất.
Y học phương Đông cho rằng, sự nóng nực sẽ kích thích một số trùng bệnh ẩn sâu trong người, khi ăn các loại thức ăn vị chua, chát, rượu nếp có thể trục diệt chúng. Đây cũng là ngày cực nóng, có lợi cho việc trục hàn khí, giải cảm mạo, nên dân gian có tục hái các loại lá cây phơi khô làm thuốc. Cũng do nóng bức, người ta thường hướng dẫn người già, trẻ em ăn các loại thức ăn mềm, mát như chè hạt sen, bánh tro… và đi tắm biển vào ngày này.
Tiết Đoan Ngọ, vì thế từ một tiết khí của năm nông lịch trở thành hoạt động y lý, chăm sóc sức khỏe con người. Thời điểm tháng 5 cũng là giữa năm, mùa vụ thu hoạch các loại cây trái, mùa sâu bọ sinh sôi nảy nở, dân gian quan niệm nên cầu thần đất phù hộ, tiêu diệt bớt sâu bọ bảo vệ mùa màng. Do đó, Tết Đoan Ngọ từ lâu là cái Tết quan trọng với các quốc gia dùng nông lịch.
Cạnh đó, ở nông thôn Việt Nam, thời điểm tháng 5 bắt đầu mùa thu hoạch, các thế hệ trai tráng đi xa làm thuê sẽ thường quay về phụ gia đình, thành dịp sum họp giữa năm. Nhiều người làm ăn xa không về dịp Tết Nguyên đán cũng chọn thời điểm này về với gia đình. Nên Tết Đoan Ngọ còn được coi là tết họp mặt, các gia đình, tộc họ đều tổ chức cúng lễ, tưởng nhớ tổ tiên, cầu cho mọi người an khang. Thường tại các làng xã sẽ có lễ thần tổ chức ở đình, đền; ở thôn, xóm có cúng tại miếu; các gia đình thì cúng tổ tiên và thổ công, thổ địa trong nhà.
Miền bắc nước ta còn quan niệm ngày 5 tháng 5 âm lịch là ngày giỗ Mẹ Âu Cơ; vùng đồng bằng sông Cửu Long lại xem đây là ngày "nước quay", đón con nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về; còn miền Trung từ thời Quang Trung có tục khoe tài khoe sức của trai tráng trong làng, phô trương tình nghĩa xóm làng gọi là “thiên hạ đại tín”, “huynh đệ chi binh”. Một số vùng nông thôn trước đây vào ngày này còn có tục lễ “sêu”, là ngày con cháu đi chúc thọ ông bà, học trò thăm thầy giáo, người bệnh cảm ơn thầy thuốc, các chàng trai mới hỏi vợ sang thăm bố mẹ vợ.
Theo laodong.vn