Thứ Sáu, 22/11/2024 14:22:43 GMT+7
Lượt xem: 1272

Tin đăng lúc 08-02-2021

Tết - Ký ức trẻ quê

Với một đứa trẻ nhà quê như tôi, Tết là cái gì đó chỉ muốn về bên mẹ, muốn ngóng mẹ đi chợ, mẹ mua quần áo mới. Đó là cảm xúc mà trẻ con thành phố không bao giờ có được.
Tết - Ký ức trẻ quê
Nhớ những chiều cuối năm, mẹ hay đốt những trái bồ kết khô để nấu nước gội đầu anh em chúng tôi.

Những ngày cận Tết, dắt đứa cháu đi thăm thú những phiên chợ với rực rỡ sắc màu, đứa cháu hỏi:

 

- Năm nay khi nào chú về quê ăn Tết, bố mẹ bảo năm nay nhà cháu sẽ không về mà đi du lịch?

 

- Năm nay chú trực Tết nên cũng chưa biết được, có thể mai chú sẽ về tranh thủ. Bây giờ, cháu thích gì chú dẫn đi mua nhé, hay chú mua cho quần áo mới nhé, có thích không?

 

- Cháu có phải trẻ con nhà quê đâu mà đòi quần áo mới. Cháo thích siêu nhân Gao.

 

Thằng bé mới chỉ lên 6 khiến tôi thoáng buồn. Trong đầu nó đã phân định khái niệm trẻ con nhà quê và trẻ con ở phố. Ngày 29 tháng Chạp, quê tôi có chợ Tía – phiên chợ cuối cùng của năm cũ. Ngày xưa, nhà tôi nghèo lắm. Cứ những buổi chợ phiên cuối năm là tôi lại ngồi ngóng mẹ bán đủ thứ trong nhà như những luống ngô, nia, nong rồi có năm mẹ bán đàn chó con để lấy tiền tiêu Tết. Tôi luôn dò hỏi mẹ xem bán những thứ ấy được nhiều tiền không, có dư ra đồng nào mua quần áo mới cho mình hay không?. Mẹ tôi thường khẽ trả lời: Cứ để mẹ tính đã, có thể sẽ không có đủ tiền mua quần áo mới đâu.

 

Những lúc mẹ nói như vậy tôi rất buồn, nhưng vẫn hi vọng mẹ sẽ đủ tiền mua cho tôi 1 bộ quần áo mới đón Tết. Sáng 29 Tết, phiên chợ cuối cùng, mẹ dậy từ gà gáy, tôi cũng dậy theo và ngóng mẹ. 29 Tết, đám bạn cùng xóm rủ đi chơi, tôi không dám xa nhà nửa bước vì phải chờ xem mẹ có cho theo đi chợ hay không. Nếu tôi đi chơi với đám bạn ở xa, nhỡ mẹ gọi tôi lại không nghe thấy tiếng mẹ. Mẹ cho đi chợ nghĩa là mẹ sẽ mua cho quần áo mới.

 

Thế rồi, từ sáng sớm mẹ đã lặng lẽ đi đâu mất hút. Tôi ngồi nhà ngóng mãi. 1 tiếng không thấy mẹ về, 2 tiếng không thấy mẹ về, 3 tiếng vẫn không thấy mẹ về. Tôi ngầm hiểu rằng, tôi đã không có quần áo mới và mẹ đã trốn tôi đi chợ. Mặt tôi buồn thiu, nước mắt rơm rớm, bất cứ một tiếng động nào từ nhà hàng xóm vang lên về chuyện đám trẻ con bên ấy chúng vui mừng thử quần áo và khoe nhau màu sắc của những chiếc quần áo mới là nước mắt tôi rơi.

 

Thế rồi, mẹ về. Tôi hỏi: Mẹ đi đâu từ sáng đến giờ?. Mẹ không trả lời mà khẽ nói: Mặc thêm áo ấm vào mẹ cho đi chợ. Mẹ chở tôi trên chiếc xe đạp cũ. Như thường lệ, để tiết kiệm tiền gửi xe, tôi đứng ngoài trông xe cho mẹ vào mua đồ. Sau cuối cùng, mẹ gửi xe và đồ cho một người quen cùng làng và dắt tôi đi một mạch vào hàng quần áo ở góc chợ. Mẹ đưa cho tôi 3 chiếc áo đã chọn sẵn và người bán để riêng ra một góc. Tôi mặc vừa cái nào mẹ mua cho cái đó rồi lại dắt tôi đi thật nhanh lên đầu chợ ra về. Sau này lớn, tôi hiểu rằng, mẹ mất tích chừng ấy thời gian buổi sáng sớm là đi vay tiền để mua áo mới cho tôi. Và, chiếc áo tôi mặc bao giờ cũng là hàng rẻ nhất chợ. Nhưng tôi cũng vui lắm vì ít nhiều vẫn có áo mới mẹ mua để mặc những ngày Tết khoe với đám bạn cùng xóm.

 

Có một năm, tôi không được mua áo mới. Bởi, sau hơn 3 giờ đồng hồ mẹ vắng nhà và trở về với gương mặt buồn. Năm đó, mẹ cũng không đi chợ Tết. Cứ thế mẹ làm cơm trưa còn tôi thì thấp thỏm cả buổi để được ngồi sau chiếc xe đạp cũ mẹ chở đi trên con đê đất. Và năm đó, tôi không có quần áo mới đón Tết. Nhưng sau Tết, đến Rằm tháng Giêng mẹ cho tôi về quê ngoại. Lúc từ quê ngoại để về nhà, đi ngang qua thị trấn, mẹ dắt tôi vào một cửa hàng bán quần áo. Lần này mẹ không bắt tôi trông xe nữa. Mẹ bảo: Con thích bộ quần áo nào mẹ mua bù cho con. Bộ nào cũng được bất kể đắt hay rẻ.

 

Và đây là năm đầu tiên tôi được tự chọn một bộ quần áo Tết theo ý thích. Và, tôi cũng ngầm hiểu hiểu rằng có thể mẹ đã phải vay các bác tiền ngày đầu năm.

 

Với một đứa trẻ nhà quê như tôi, Tết là cái gì đó chỉ muốn về bên mẹ, muốn ngóng mẹ đi chợ, mẹ mua quần áo mới. Đó là cảm xúc mà trẻ con thành phố không bao giờ có được. Và Tết cũng là mùi của xác pháo. Và Tết cũng là, chỉ được vẻn vẹn hơn 10.000 đồng tiền mừng tuổi với những tờ giấy đỏ 200 đồng, 500 đồng trong khi chúng bạn khoe nó được vài trăm ngàn đồng. Cũng bởi, nhà tôi nghèo. Trẻ con nhà nghèo bị phân biệt. Họ có mừng tuổi cũng chỉ 200 đồng. Còn những đứa nhà giàu là tờ 1000 đồng, 2000 đồng, 5000 đồng và có cả đồng bạc đỏ 10.000 đồng mới tinh tươm mà nhiều lần tôi ao ước sẽ có người mừng tuổi cho tôi đồng bạc ấy.

 

Những ngày cuối năm, trong lòng ai chắc hẳn cũng chộn rộn. Cuộc nói chuyện với đứa cháu nhiều câu hỏi của nó bị tôi bỏ ngỏ. Dắt thằng bé đi siêu thị ngang qua một khu chợ Tết, tôi mua cho cháu đồ chơi siêu nhân Gao. Thằng bé thích thú với nét mặt rặng ngời. Chợt ông cụ bán cây mùi già góc chợ gọi với: Mua mùi già về nấu nước tắm không? Tôi khẽ lắc đầu nhưng hương thơm mùi già đã khiến tôi cay cay khoé mắt. Ở quê giờ này, chắc mẹ đang mong ngóng tôi về. 

 

Theo VietQ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang