Thứ Ba, 05/11/2024 01:22:05 GMT+7
Lượt xem: 1380

Tin đăng lúc 23-11-2021

Thách thức về an ninh mạng và bảo mật cá nhân trong giao dịch thương mại điện tử

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, vấn đề an toàn, an ninh mạng và bảo mật cá nhân trong các giao dịch thương mại điện tử đặt ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp.
Thách thức về an ninh mạng và bảo mật cá nhân trong giao dịch thương mại điện tử
Thời gian qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã có những bước tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, loại hình này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Ảnh minh họa

Chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển thị trường cho doanh nghiệp thương mại điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số” vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, sau đại dịch Covid, thương mại điện tử được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới. Cùng với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, vài năm trở lại đây, khởi nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trẻ.

 

Đây là xu hướng kinh doanh đang phát triển mạnh trên thế giới, đặc biệt ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử phát triển sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi, mua bán hàng hóa trực tuyến.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra.

 

Thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục có bước tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu trong những năm tới. Trong báo cáo e-Conomy SEA 2021 từ Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố, năm 2021 nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31% lên 21 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.

 

Đến năm 2030 nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam sẽ đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV - Gross Merchandise Value), đứng thứ hai trong khu vực sau Indonesia. Đây cũng là tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam.

 

Trong những năm qua, Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về tỷ lệ người dân sử dụng internet cũng như số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm. Doanh thu thương mại điện tử liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua. Từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới, với 55% đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai cho thấy mức độ gắn bó rất cao với các dịch vụ, sản phẩm kỹ thuật số.

 

Việt Nam vẫn là trung tâm đổi mới hấp dẫn khi nguồn vốn toàn cầu tiếp tục đổ vào. Hoạt động thương vụ, đầu tư tăng vọt trong nửa đầu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục 1,37 tỷ USD, vượt qua các khoản đầu tư cả năm của những năm gần đây, được thúc đẩy bởi sự quan tâm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số trong lĩnh vực thương mại điện tử (e-commerce), tài chính (fintech), sức khỏe (healthtech) và giáo dục (edtech). Tuy nhiên, để các doanh nghiệp tận dụng, khai thác hết tiềm năng từ thị trường trực tuyến mà Việt Nam đang có cũng không hề đơn giản.

 

Cùng chia sẻ về thực trạng của thị trường thương mại điện tử, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhận định, mặc dù thị trường thương mại điện tử đang phát triển khá nhanh và ấn tượng nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể là quy mô phát triển giữa các địa phương chưa đồng đều; việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thương mại điện tử vẫn còn khá phổ biến; thách thức cạnh tranh giữa các sàn thương mại điện tử trong nước và nước ngoài; niềm tin của người tiêu dùng với các giao dịch trực tuyến chưa cao.

 

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, vấn đề an toàn, an ninh mạng và bảo mật cá nhân trong các giao dịch thương mại điện tử cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, hoạt động vận tải giao nhận hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu, nhân lực hiểu rõ và tham gia vận hành hệ thống thương mại điện tử còn thiếu...

 

Các đại biểu tham gia hội thảo có chung nhận định, thương mại điện tử và đại dịch đã làm thay đổi đáng kể nền thương mại vì sự chuyển đổi từ mua sắm truyền thống sang trực tuyến. Vì vậy, để tạo thị trường trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh nhạy tận dụng cơ hội đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nắm bắt công nghệ để phát triển thị trường. Đồng thời, sự phối hợp của các bộ, ngành và doanh nghiệp cũng là yếu tố quyết định thành công của bước tiến chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

 

Theo Vietq.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang