Thứ Tư, 18/12/2024 11:58:15 GMT+7
Lượt xem: 42

Tin đăng lúc 06-12-2024

Thái Bình: “Bến đỗ” của những dòng vốn tỷ USD

Thu hút vốn đầu tư FDI “nhảy vọt” trong năm 2024, Thái Bình trở thành cực tăng trưởng mới đầy hấp dẫn của vùng Đồng bằng sông Hồng, là “bến đỗ” của những dòng vốn tỷ USD.
Thái Bình: “Bến đỗ” của những dòng vốn tỷ USD
Khu công nghiệp Liên Hà Thái đang là điểm sáng thu hút FDI vào Khu kinh tế Thái Bình. Ảnh: Vũ Phường

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam không ngừng tăng trưởng, Thái Bình - một tỉnh thuần nông nằm ở đồng bằng sông Hồng - đang dần vươn mình trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các dòng vốn tỷ USD. Từ sự chuyển mình mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng đến các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, Thái Bình đang khẳng định vị thế là “bến đỗ” mới của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh

 

Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Thái Bình, tỉnh sở hữu vị trí địa lý chiến lược, cách thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 100km và nằm liền kề các tỉnh phát triển như Hải Phòng, Nam Định và Quảng Ninh. Với hệ thống giao thông thuận lợi bao gồm các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ kết nối liên vùng, Thái Bình dễ dàng tiếp cận các cảng biển lớn như cảng Hải Phòng và cảng Cái Lân, tạo điều kiện lý tưởng cho các hoạt động xuất nhập khẩu.

 

Ngoài ra, Thái Bình còn nổi tiếng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Nguồn đất nông nghiệp rộng lớn, phù hợp cho các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; các bãi bồi ven biển là tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Gần đây, các dự án khảo sát và phát triển điện gió tại Thái Bình đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư lớn, tạo nền tảng cho tỉnh phát triển một ngành công nghiệp mới đầy triển vọng.

 

Một trong những bước đột phá lớn nhất của Thái Bình là việc triển khai các chính sách ưu đãi đặc biệt cho nhà đầu tư. Đặc biệt, Khu kinh tế Thái Bình - một trong những khu kinh tế trọng điểm của Việt Nam rộng hơn 30.000 ha - được hưởng nhiều ưu đãi theo nghị định của Chính phủ.

 

Một số ưu đãi như miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản; miễn toàn bộ thời gian thuê đất với dự án ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư; các nhóm đối tượng khác được miễn 13 - 17 năm tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trong suốt thời gian hoạt động của dự án;… Tỉnh cũng áp dụng ngay chính sách ưu đãi từ khi các nhà đầu tư lập dự án. Các dự án có quy mô lớn sẽ được hỗ trợ 100% thủ tục giấy phép chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

 

Với các thủ tục để khởi công dự án (quy hoạch chi tiết, báo cáo nghiên cứu khả thi, PCCC, báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép xây dựng), cơ quan thẩm quyền sẽ đồng hành, hướng dẫn thực hiện, giúp doanh nghiệp kết nối các Bộ, ngành liên quan để rút ngắn thời gian thực hiện.

 

Với các nhà đầu tư trọng điểm, tỉnh chỉ đạo lập tổ công tác riêng để hỗ trợ trong suốt quá trình thực hiện dự án. Với các đơn vị đã và đang hoạt động, luôn được thường xuyên quan tâm, có cán bộ nắm bắt theo dõi tình hình để tháo gỡ khó khăn kịp thời, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.

 

Thái Bình đã đầu tư đáng kể vào việc cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc đơn giản hóa và minh bạch hóa các thủ tục hành chính. Chính quyền tỉnh đã thành lập các trung tâm hành chính công hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin để xử lý các thủ tục một cách nhanh chóng và hiệu quả.

 

Các nhà đầu tư có thể dễ dàng truy cập và thực hiện các thủ tục pháp lý, từ cấp giấy chứng nhận đầu tư đến các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng và môi trường, mà không gặp phải tình trạng quan liêu hay chậm trễ. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn tạo niềm tin cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

“Bến đỗ” của các dòng vốn tỷ USD

 

Năm 2023, Thái Bình nổi lên như một hiện tượng khi thu hút gần 3 tỷ USD vốn FDI, tự hào đứng trong top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút FDI cùng với TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, đồng thời vượt qua Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương và Đồng Nai.

 

Tiếp nối đà phát triển, năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình ước thực hiện trên 26.600 tỷ đồng, đạt 136,8% dự toán, tăng 9,9% so với năm 2023, trong đó thu nội địa ước đạt trên 11.000 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2023.

 

Tính đến ngày 20/11/2024, thu hút đầu tư của Thái Bình đạt trên 38.000 tỷ đồng, trong đó thu hút vốn FDI đạt trên 860 triệu USD, dự kiến cả năm 2024 thu hút FDI đạt trên 1 tỷ USD, là năm thứ 3 liên tiếp có trên 1.000 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.

 

Trong đó nổi bật là các dự án: Khu công nghiệp Hưng Phú của Geleximco Hưng Phú tại Tiền Hải với tổng mức đầu tư khoảng 1.940 tỷ đồng, khu công nghiệp này đã ký kết hợp đồng đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô với Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư cho 3 giai đoạn khoảng 800 triệu USD (khoảng 19.700 tỷ đồng); khởi công khu công nghiệp VSIP Thái Bình gần 345ha nằm tại huyện Thái Thụy với tổng vốn đầu tư hơn 4,900 tỷ đồng…

 

Để đạt được thành tựu trên, các chuyên gia cho rằng, Thái Bình là tỉnh phát triển năng động, có nhiều lợi thế cạnh tranh về vị trí, môi trường đầu tư và cả hạ tầng. Thái Bình cũng đã tổ chức thành công nhiều đoàn công tác của tỉnh đi kết nối, xúc tiến đầu tư tại Đức, Thụy Sỹ, Hungary, Hà Lan, Pháp, Bỉ; tổ chức các cuộc làm việc với các đoàn công tác, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, nghiên cứu, khảo sát tại tỉnh.

 

Về kế hoạch của năm 2025, UBND tỉnh Thái Bình đặc biệt lưu ý một số nhóm nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh giải quyết các điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực về đất đai, tài chính, lao động.

 

Tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án giao thông tạo liên kết giữa các vùng, các trục giao thông quốc gia và các khu, cụm công nghiệp, các vùng sản xuất; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng phục vụ du lịch, dịch vụ, thông tin truyền thông...

 

Ngoài ra, Thái Bình tập trung triển khai hiệu quả quản lý, nhất là quản lý đất đai trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng nông thôn mới; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, đổi mới mạnh mẽ phương thức phối hợp, xử lý công việc giữa các ngành, địa phương…

 

Ông Đỗ Quang Tuấn, Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Bảo Minh cho biết, tỉnh Thái Bình đang là điểm đến thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước những năm gần đây. Các khu công nghiệp được hình thành và phát triển thể hiện bước chuyển mình của tỉnh, cho thấy sự năng động và khát vọng vươn lên của cả hệ thống chính trị.

 

Những năm qua, tỉnh Thái Bình đã quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối vùng, tạo thế giao thông liên hoàn, động lực để Thái Bình trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, tạo thêm đà phát triển kinh tế - xã hội.

 

Doanh nghiệp Bảo Minh được chính quyền tỉnh Thái Bình lựa chọn làm chủ đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hải Long (nằm trong Khu Kinh tế Thái Bình) theo mô hình khu công nghiệp hiện đại, với tiêu chí “xanh, bền vững”, đồng bộ về giao thông, điện, nước, xử lý nước thải và viễn thông.

 

“Doanh nghiệp mong muốn các cơ quan chức năng chỉ đạo đẩy nhanh quá trình thi công tuyến đường bộ ven biển để tạo động lực cho các khu công nghiệp trên địa bàn thu hút nhà đầu tư thứ cấp, tiếp tục tạo nên diện mạo mới cho hạ tầng giao thông tỉnh, tạo sự kết nối vùng, liên vùng nhanh, bền vững”, ông Tuấn nói.

 

Theo diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang