Trong những năm qua, TTKC Thái Bình đã được Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương, UBND tỉnh, Sở Công Thương đã tạo điều kiện giao kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương để thực hiện các chương trình, dự án khuyến khích phát triển ngành nghề công nghiệp nông thôn (CNNT), chương trình tiết kiệm năng lượng trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Với cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng đầy đủ nhiệm vụ cùng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, TTKC đã hoàn thành tốt nhiều chương trình, dự án.
Trung tâm đã phối hợp với các Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Thái Thụy; Đông Hưng; Hưng Hà; Kiến Xương; Tiền Hải; Vũ Thư; Quỳnh Phụ; Thành phố, tổ chức 08 Hội nghị phổ biến, triển khai các văn bản của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và của UBND tỉnh Thái Bình về khuyến công. Các hội nghị đã thu hút được hơn 900 lượt đại biểu là cán bộ làm công tác giao thông - xây dựng - công thương, cán bộ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, HTX trên địa bàn các huyện tham dự.
Công tác tuyên truyền về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cũng được TTKC chú trọng. Trung tâm đã làm việc với phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện để tổ chức triển khai 07 hội nghị Hội nghị tuyên truyền chủ trương, chính sách hỗ trợ, quy trình thực hiện sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến các Doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn các huyện.
Bên cạnh đó, TTKC cũng đã tổ chức thành công hội nghị tổng kết chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016-2020. Tham dự hội nghị có 300 đại biểu là lãnh đạo, chuyên viên, các Sở, Ban, Ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố, lãnh đạo UBND các xã trên địa bàn tỉnh, một số hiệu trưởng các trường TH và THCS trên địa bàn tỉnh, đại diện một số hộ gia đình được hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời. Hội nghị đã đánh giá được kết quả thực hiện chương trình và đã chỉ ra được những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai chương trình, đồng thời cũng đưa ra phương hướng thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho giai đoạn 2021-2030.
Trung tâm còn tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình tập huấn máy cơ khí nông nghiệp giai đoạn 2015-2020. Tham dự hội nghị có 300 đại biểu là lãnh đạo các, chuyên viên, các Sở, Ban, Ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố, lãnh đạo UBND các xã và các đơn vị phối hợp tổ chức các lớp tập huấn trên địa bàn tỉnh. Hội nghị đã đánh giá được kết quả thực hiện chương trình và đã chỉ ra được những thuận lợi và khó khăn, một số bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức, triển khai. Ngoài ra, TTKC Thái Bình cũng đã lập mẫu phiếu điều tra, gửi công văn xuống các xã để thu thập thông tin về tình hình sử dụng máy cơ khí nông nghiệp, số lượng các loại máy cơ khí nông nghiệp hiện có và nhu cầu tập huấn máy cơ khí nông nghiệp tại 220 xã trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Hỗ trợ đào tạo lao động cho hoạt động khuyến công
Trong năm 2021, Trung tâm đã làm việc với chính quyền địa phương, UBND huyện, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thành phố nghiên cứu lập đề án, kiểm tra hồ sơ, chứng từ có liên quan trình Bộ Công Thương, sau khi được Bộ phê duyệt, Trung tâm đã ký hợp đồng thực hiện 03 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất tại 03 doanh nghiệp. Trung tâm đã thực hiện tư vấn về dịch vụ khuyến công cho các đơn vị lập dự án xin hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương, hướng dẫn các thủ tục giải ngân, thanh quyết toán các chương trình, dự án khuyến công cho 10 đơn vị trong tỉnh, tư vấn, hướng dẫn về phát triển công nghiệp: hướng dẫn các đơn vị lập dự án ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, lựa chọn thiết bị, phương án đầu tư.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng, ông Hà Văn Hải, Giám đốc TTKC Thái Bình cho biết: “Các chương trình, đề án khuyến công được tổ chức thực hiện nghiêm túc, mang lại hiệu quả cao, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu theo hướng hiện đại hóa, cơ khí hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tất cả đã góp phần đào tạo lao động có tay nghề, phân công lại lao động trong khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, phát triển nghề và làng nghề trong nông thôn, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng”.
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, các chương trình, đề án khuyến công được xây dựng, triển khai đúng quy trình, đúng đối tượng, phù hợp với nội dung hoạt động khuyến công, quy định về quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công của Trung ương và của tỉnh. TTKC Thái Bình đã thực hiện nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở CNNT triển khai thuận lợi các chương trình, dự án khuyến công, các hoạt động đầu tư, chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới.
Để ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động khuyến công, năm 2022, TTKC Thái Bình xác định phải chủ động, phối hợp với các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, định hướng hoạt động khuyến công; đồng thời thẩm định, kiểm tra các dự án, tăng cường giám sát, đôn đốc thực hiện các chương trình, dự án khuyến công tại các đơn vị; nâng cao hiệu quả, chất lượng các đề án và kết quả thực hiện của các đề án theo quy định.
Trung tâm sẽ tích cực, chủ động tổ chức và triển khai các chương trình, dự án khuyến công trên cơ sở tranh thủ sự giúp đỡ, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự giúp đỡ về chuyên môn của Cục Công Thương địa phương, Sở Công Thương, Sở Tài chính. Tăng cường sự phối hợp với UBND các huyện, thành phố và Phòng Kinh tế & Hạ tầng các huyện, thành phố để triển khai các chương trình, kế hoạch đề ra, đặc biệt đối với các đề án đào tạo nghề, nâng cao năng lực do ảnh hưởng bởi mùa vụ sản xuất. Chủ động tư vấn, hướng dẫn phối hợp của các doanh nghiệp trong việc thực hiện các dự án xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư công nghệ mới, sản phẩm mới.
Minh Phương