Ông Nguyễn Văn Tiếp, Giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Khởi Tiếp (xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư) chia sẻ: “Nhận được sự hỗ trợ về vốn của các chương trình khuyến công cũng như được chính quyền tạo điều kiện về mặt bằng, tôi đã đầu tư mở rộng nhà xưởng và xây dựng showroom trưng bày, giới thiệu sản phẩm với tổng diện tích gần 4.000m2. Hiện Công ty đang sản xuất các mặt hàng như bàn, ghế, giường, tủ, đồ thờ, đồ gỗ nội thất công trình, tranh gỗ. Chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp, được nhiều người tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định... tin tưởng sử dụng nên bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động”.
Từ năm 2012 - 2022, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC), Sở Công Thương Thái Bình đã tổ chức, đào tạo nghề may công nghiệp cho 1.960 lao động nông thôn (gồm 56 lớp đào tạo), với kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 3.322,5 triệu đồng. Cũng trong giai đoạn từ năm 2012 - 2022, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ xây dựng 9 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới, ví dụ: Mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH Thuận Khang và Công ty TNHH Chương Tho; Mô hình trình diễn kỹ thuật dệt chiếu nilon xuất khẩu tại Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Dũng; Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất máy chế biến song mây tre nứa tại DN tư nhân cơ khí Tú Tuấn với kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 4.650 triệu đồng. Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) cho 50 cở sở CNNT với kinh phí là 11.360 triệu đồng.
Công ty TNHH Liên Hạnh (cụm công nghiệp thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư) chuyên chế biến lúa gạo và sản xuất bún tươi, bún, phở khô, phở ăn liền với thương hiệu ViOne. Được sự hỗ trợ của Sở Công Thương từ chương trình khuyến công quốc gia, Công ty đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng trang bị máy bắn màu phục vụ chế biến gạo xuất khẩu và dây chuyền khép kín sản xuất bánh phở khô, bánh đa khô tự động. Nhờ máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại nên chất lượng sản phẩm nâng lên, được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao. Mỗi năm, Công ty cung cấp ra thị trường gần 10.000 tấn gạo và hàng triệu sản phẩm bún tươi, phở ăn liền ViOne, cho doanh thu gần 400 tỷ đồng. Ông Trần Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cho biết: “Không chỉ hỗ trợ nguồn vốn đầu tư, chương trình khuyến công còn giúp chuyển giao khoa học kỹ thuật làm chủ máy móc, công nghệ, đào tạo tay nghề cho lao động; đây thực sự là nguồn tiếp sức quan trọng giúp DN vượt qua khó khăn, tự tin đổi mới, phát triển”.
Xưởng sản xuất của Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Khởi Tiếp (huyện Vũ Thư, Thái Bình)
Trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh có 947 DN, cơ sở CNNT được thụ hưởng chính sách khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ gần 72 tỷ đồng từ nguồn khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương. Các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc hiện đại, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất CN-TTCN đã giúp DN tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Từ năm 2012 – 2022, Thái Bình đã tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản lý, khởi sự DN, tổ chức sản xuất, tăng cường khả năng kinh doanh của các DN, cơ sở, hợp tác xã sản xuất CNNT cho 3.593 người tham dự, với tổng kinh phí là 3.447 triệu đồng.
Ông Ngô Quang Văn - Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí Thiên Văn (huyện Thái Thụy) cho biết: “Mặc dù sản phẩm vành xe máy, xe đạp của Thiên Văn mới ra đời nhưng đã nhanh chóng thâm nhập thị trường, chiếm lĩnh được niềm tin của đối tác khách hàng và người tiêu dùng nhờ mẫu mã đẹp, chất lượng cao, giá cả hợp lý. Có được điều đó là nhờ chúng tôi đã đầu tư hiện đại hóa dây chuyền sản xuất với sự hỗ trợ thiết thực từ chương trình khuyến công”.
Có thể nói, các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã góp phần huy động các nguồn lực vào đầu tư phát triển CNNT theo mục tiêu, định hướng của tỉnh. Khi CNNT được chú trọng thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội đáng kể, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Các chương trình hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề gắn với nhu cầu DN cũng đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, phát triển đời sống văn hóa, thúc đẩy CNNT phát triển và gia tăng giá trị sản xuất.
Hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở CNTT ở Thái Bình có được hướng đầu tư đúng, hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh hỗ trợ sản xuất công nghiệp, hoạt động khuyến công đã góp phần phát triển sản xuất TTCN, giúp các DN, cơ sở sản xuất trong làng nghề bảo tồn phát triển nghề truyền thống, du nhập nghề mới, mở rộng sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Qua đó, nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng DN về vai trò, vị trí hoạt động khuyến công đã ngày càng được nâng cao.
Những năm qua, các hoạt động khuyến công đã tích cực góp phần phân công lại lao động xã hội khu vực nông thôn, đưa CN-TTCN về nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng, góp phần tích cực thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa NNNT trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX đã đề ra.
Minh Phương