Những năm gần đây, Thái Nguyên được xem là điểm sáng của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, cũng như việc thu hút vốn FDI thuộc top đầu các tỉnh, thành phố Việt Nam. Tính đến hết năm 2018, trên địa bàn đã có 128 dự án hoạt động với tổng vốn đầu tư trên 7,5 tỷ USD của 9 quốc gia nước ngoài.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra gần đây, ông Vũ Hồng Bắc - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - nhấn mạnh, chính khu vực FDI tại tỉnh đã góp phần tạo nhiều việc làm ổn định cho lao động trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Cụ thể, năm 2017, tổng số lao động trong khối doanh nghiệp FDI là 99.300 người, tăng 6,9% so với năm 2016; năm 2018 là trên 105.000 lao động.
Chỉ tính riêng với Tập đoàn Samsung tại Thái Nguyên, qua 5 năm đầu tư tại đây, công ty đã thường xuyên sử dụng trên 62.000 lao động.
Tỉnh Thái Nguyên với lợi thế là trung tâm đào tạo đứng thứ 3 trong cả nước, hàng năm, đào tạo trên 100 nghìn sinh viên có trình độ, tay nghề đáp ứng tốt yêu cầu của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn lao động phổ thông cũng cơ bản đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu sử dụng lao động cho các nhà máy lớn.
Ông Vũ Hồng Bắc cho biết, hàng năm, tỉnh đã hỗ trợ cho các nhà đầu tư tuyển dụng mới trên 10.000 lao động địa phương làm việc trong các nhà máy.
Tuy nhiên, với môi trường làm việc trong các doanh nghiệp quy mô công nghệ cao đòi hỏi chất lượng đầu vào lao động ngày càng khắt khe nên việc cung ứng lao động cho các doanh nghiệp FDI quy mô lớn và các ngành công nghiệp phụ trợ vẫn là bài toán lớn cho tỉnh Thái Nguyên. “Tỉnh đã xác định, phát triển nguồn nhân lực phục vụ các dự án FDI quy mô lớn và các ngành công nghiệp phụ trợ là một trong những nhiệm vụ trong tâm của tỉnh.” – ông Vũ Hồng Bắc nhấn mạnh.
Theo đó, tỉnh tập trung xây dựng định hướng tổng thể phát triển nhân lực giai đoạn 2012- 2020, có tính đến giai đoạn 2030. Trong đó, tập trung đầu tư mới, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở dạy nghề; đổi mới công tác đào tạo, chuẩn hóa chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên trong thời kỳ hội nhập. Tăng cường liên kết, trao đổi thông tin giữa các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp cung ứng lao động của tỉnh với các doanh nghiệp FDI.
Ngoài ra, tỉnh định hướng nhóm ngành, nghề chuyên sâu trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ nhằm đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật theo 3 trình độ, đáp ứng ngay nhu cầu tuyển dụng của các nhà đầu tư. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư FDI trong việc đào tạo, đào tạo lại nghề cho lao động trong và sau khi tuyển dụng; mở rộng các hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cung ứng cho các nhà đầu tư.
Ông Vũ Hồng Bắc – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên: Chính quyền tỉnh sẽ đồng hành với nhà trường, doanh nghiệp để gia tăng năng lực cạnh tranh, trở thành nhà cung ứng nguồn nhân lực chính cho các nhà đầu tư nước ngoài. |
Nguồn Báo Công Thương