Phát triển sản xuất các sản phẩm có thế mạnh của địa phương theo hướng hàng hóa là hướng đi mà tỉnh Thái Nguyên đã xác định rõ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững. Với nhiều nỗ lực, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, chứng nhận Nhãn hiệu tập thể và Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu do Bộ Công Thương và UBND tỉnh cấp… Tuy nhiên, dù đã có các sản phẩm vươn ra thị trường lớn nhưng việc tiêu thụ những sản phẩm đó vẫn còn nhỏ lẻ và phụ thuộc phần lớn vào tư thương.
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, Sở Công Thương Thái Nguyên đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm CNNT trên địa bàn theo hướng tập trung, ổn định và bền vững. Thực hiện chủ trương đó, Trung tâm Khuyến công đã tăng cường phối hợp với Cục Công Thương địa phương (Bộ Công thương), cùng các ban, ngành trong tỉnh tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT tham gia nhiều hội nghị kết nối cung cầu với các kênh phân phối hàng hóa nội địa và khu vực phía Bắc; triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong công tác quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Điển hình là mấy năm gần đây, Trung tâm đã hỗ trợ kinh phí thuê các gian hàng cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh tham gia trưng bày sản phẩm tại Hội chợ triển lãm “Mỗi xã, phường một sản phẩm - Thái Nguyên năm 2016, 2017, 2018 và 2019" để kết nối giao thương, mở rộng thị trường buôn bán... Ngoài ra, Trung tâm còn đưa các sản phẩm có thế mạnh của địa phương đến trưng bày tại Hội chợ ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như: Bắc Ninh, Nghệ An, Nam Định, Phú Yên... Đến nay, sau một thời gian triển khai chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" thì đã có gần 200 sản phẩm trở thành sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh như: Chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên); Miến dong của Hợp tác xã miến Việt Cường (huyện Đồng Hỷ); Rau an toàn của các Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Hùng Sơn và HTX Bình Thuận (huyện Đại Từ); Tương nếp Úc Kỳ của Cơ sở sản xuất tương nếp Úc Kỳ (huyện Phú Bình); Gạo Bao Thai Định Hóa của các HTX trồng lúa trên địa bàn huyện Định Hóa…
Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đang tập trung hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở CNNT tham gia trưng bày sản phẩm tại "Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2020"
Đặc biệt, vào ngày 28/8/2020 sắp tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở CNNT đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và các đơn vị đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2020 tham gia trưng bày sản phẩm tại "Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2020". Hội chợ được tổ chức tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Thái Nguyên với quy mô 250 gian hàng và diễn ra trong thời gian 07 ngày. Qua đó, sẽ tiếp tục mở rộng cơ hội cho các đơn vị thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, cũng như các doanh nghiệp thu mua trong cả nước.
Ông Nguyễn Đình Hùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên chia sẻ: Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến công đã đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT, Hợp tác xã và làng nghề trên địa bàn tỉnh giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ những sản phẩm mà địa phương có thế mạnh tại các Hội chợ triển lãm. Điều này đã tạo cơ hội cho các đơn vị mua bán, trao đổi, giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua. Thông qua những đợt tham dự hội chợ, gian hàng của nhiều đơn vị đã có đông đảo khách hàng và các đoàn doanh nghiệp đến tìm hiểu, đặt mua sản phẩm với số lượng lớn.
Để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn trong vấn đề xúc tiến thương mại, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tham mưu với Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thái Nguyên triển khai các chính sách hỗ trợ kinh tế hợp tác, giao thương; Tăng cường phối hợp với các đơn vị trong việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ những sản phẩm có thế mạnh của địa phương để các tổ chức, hộ kinh doanh có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với nhà phân phối lớn đến từ các tỉnh bạn để mua bán, trao đổi thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường; Tích cực hỗ trợ, tư vấn cho các cơ sở sản xuất về thiết kế mẫu mã, bao bì, nhãn mác….; Mở các lớp tập huấn để nâng cao năng lực điều hành, hoạt động cho cơ sở, nhằm góp phần phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.
Có thể thấy, việc Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá thương mại đối với những sản phẩm có thế mạnh của tỉnh đã tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giao lưu, trao đổi, tiếp cận thị trường và ký kết các hợp đồng kinh tế. Đồng thời, định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, qua đó, góp phần nâng cao giá trị và ổn định đầu ra cho sản phẩm, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường./.
Tuấn Linh