"3 đồng hành, 5 hỗ trợ"
Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có nhiều loại khoáng sản với trữ lượng lớn, chính quyền năng động, thân thiện và đồng hành cùng doanh nghiệp, Thái Nguyên là tỉnh có tiềm năng và lợi thế thu hút đầu tư. Với hệ thống giao thông thuận lợi kết nối các địa phương, cửa khẩu quốc tế, thời gian di chuyển từ Thái Nguyên đến sân bay Nội Bài chỉ 40 phút, đi chuyển đến trung tâm Hà Nội chỉ khoảng một giờ. Các tuyến đường bộ kết nối với các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lào Cai; đường sắt kết nối Thái Nguyên - Hà Nội - Hải Phòng - Lào Cai - Lạng Sơn, đường sắt bắc - nam; cảng đường sông Ða Phúc kết nối các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Tài nguyên khoáng sản của tỉnh có than đá với trữ lượng khoảng 90 triệu tấn, lớn thứ hai cả nước; sắt có trữ lượng hơn 50 triệu tấn; vôn-fram có trữ lượng hơn 20 triệu tấn, các loại vật liệu xây dựng phong phú. Các danh thắng hồ Núi Cốc, Vườn quốc gia Tam Ðảo, hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, ATK - di tích quốc gia đặc biệt có sức hút về du lịch. Ngoài ra, Thái Nguyên là trung tâm đào tạo đứng thứ ba cả nước với chín trường đại học, 12 trường cao đẳng, tám trường trung cấp chuyên nghiệp, 30 trung tâm dạy nghề, hằng năm đào tạo hơn 100 nghìn lao động có trình độ, tay nghề và kỷ luật lao động. Tỉnh cũng là trung tâm vùng về y tế với hơn 520 cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó có một bệnh viện đa khoa trung ương, năm bệnh viện chuyên khoa, bảy bệnh viện đa khoa cấp huyện.
Ðể tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng cho các nhà đầu tư, hiện nay tỉnh có sáu khu công nghiệp (KCN) với diện tích hơn 1.400 ha, 35 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích gần 1.300 ha. Bên cạnh đó, quỹ đất dành cho thu hút đầu tư trên địa bàn là rất lớn. Chính sách thu hút đầu tư được thực hiện nhất quán, bài bản, rõ ràng, minh bạch, như quy định về chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn; quyết định về cơ chế hỗ trợ các KCN, CCN; quy định về cấp giấy chứng nhận đầu tư; quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Tỉnh cũng dành ngân sách đầu tư kết nối hạ tầng đường, điện, nước đến hàng rào dự án cho nhà đầu tư; các chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng, miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm thuế xuất, nhập khẩu.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc cho biết: "Xác định thu hút đầu tư là giải pháp đột phá nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây, chúng tôi tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư bằng chủ trương "3 đồng hành, 5 hỗ trợ". Cụ thể là đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành hoàn thiện thể chế và đồng hành thực hiện cơ chế đối thoại để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ðồng thời, tỉnh thực hiện cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư; tạo môi trường thân thiện; xây dựng thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực".
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá: "Các chỉ số được đánh giá cao của Thái Nguyên luôn là bộ ba chỉ số được các nhà đầu tư dài hạn quan tâm nhất: Sự an toàn từ các thiết chế pháp lý, vai trò tiên phong của lãnh đạo chính quyền và công tác đào tạo nguồn lao động. Ðiều này lý giải tại sao các tập đoàn hàng đầu trong nước và quốc tế đã chọn Thái Nguyên. Họ chia sẻ, chính sự chân thành và thân thiện của lãnh đạo và nhân dân Thái Nguyên là thỏi nam châm mạnh nhất, là niềm tin để thu hút họ về với Thái Nguyên trong các dự án đầu tư kinh doanh lớn". Năm 2017, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh tăng 24 bậc so với năm 2016; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 15; chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 17; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt hơn 94% (xếp thứ ba so với các tỉnh, thành phố). Với những nỗ lực đó, đến nay đã có hàng loạt nhà đầu tư, doanh nghiệp có số vốn lớn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ðây là nguồn lực quan trọng giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương. |
Sản xuất thiết bị y tế cao cấp tại Công ty TNHH MaNi Hà Nội (xã Tân Hương, thị xã Phổ Yên).
Ðột phá phát triển kinh tế - xã hội
Ðến nay, Thái Nguyên đã thu hút hàng loạt dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa đầu tư vào tỉnh. Ông Sim Uôn Han, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ: "Khi lựa chọn địa điểm đầu tư, chúng tôi đã phải cân nhắc rất nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Thái Nguyên. Tôi thấy, điểm khác biệt nhất của Thái Nguyên với các địa phương khác là lãnh đạo chính quyền địa phương rất tích cực và nhiệt huyết, điều đó khiến chúng tôi bị thuyết phục. Ngay sau khi chúng tôi quyết định đầu tư, tỉnh rất nỗ lực để thấu hiểu và hỗ trợ doanh nghiệp, cung cấp các điều kiện thuận lợi về đất đai, nhân lực và cơ sở hạ tầng, đơn giản các thủ tục hành chính cho chúng tôi". Ðược biết Tập đoàn Samsung đầu tư tổ hợp công nghệ cao Samsung tại KCN Yên Bình (thị xã Phổ Yên) với số vốn hơn 6,2 tỷ USD, từ khi đi vào hoạt động ổn định đến nay giải quyết việc làm cho hơn 70 nghìn lao động, năm 2018 dự kiến kim ngạch xuất khẩu hơn 20 tỷ USD. Ðồng thời, sự có mặt của Samsung tại Thái Nguyên đã kéo theo hàng chục doanh nghiệp đầu tư sản xuất linh kiện phụ trợ.
Năm 2009, Công ty TNHH MaNi Hà Nội (Nhật Bản) đầu tư 48,3 triệu USD xây dựng Nhà máy sản xuất thiết bị y tế cao cấp tại xã Tân Hương, thị xã Phổ Yên. Nhận thấy môi trường đầu tư thuận lợi, có sẵn mặt bằng sạch, chính quyền thân thiện và có trách nhiệm đến cùng đối với dự án đầu tư cho nên năm 2016, công ty đầu tư hơn 3,2 triệu USD để xây dựng một nhà máy nữa trên diện tích hơn 8 ha tại KCN Ðiềm Thụy. Ðến nay, Công ty TNHH MaNi Hà Nội giải quyết việc làm ổn định cho 3.000 lao động, lương bình quân sáu triệu đồng/ tháng, nộp ngân sách địa phương 20 tỷ đồng/năm. Tập đoàn An Khánh đã trực tiếp đầu tư và hợp tác với các đối tác đầu tư vào các lĩnh vực nhiệt điện, khai thác, chế biến khoáng sản, xây dựng, thương mại... tại tỉnh Thái Nguyên với số vốn hơn 30 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 3.500 lao động, năm 2017 đóng góp cho ngân sách tỉnh hơn 1.000 tỷ đồng, bằng gần 10% tổng thu ngân sách trên địa bàn. Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng chuẩn bị đầu tư 2.100 tỷ đồng xây dựng Khu đô thị Thái Hưng Eco City với cảnh quan, sinh thái, mang lại chất lượng sống khác biệt tại TP Thái Nguyên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đang đầu tư gần một nghìn tỷ đồng xây dựng nhà máy luyện, cán thép công suất 500 nghìn tấn/năm. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng Nguyễn Thị Vinh chia sẻ: "Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên tích cực cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa liên thông, cắt giảm hàng loạt thủ tục, giảm một nửa thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư. Ðó là động lực để chúng tôi đầu tư hai dự án nêu trên và tới đây sẽ đầu tư một số dự án nữa trên địa bàn".
Tính đến hết tháng 6, tỉnh Thái Nguyên đã thu hút 869 dự án, trong đó có 740 dự án đầu tư trong nước, với số vốn hơn 146 nghìn tỷ đồng; 129 dự án FDI với số vốn hơn 7,2 tỷ USD. Ðây thật sự là nguồn lực quan trọng đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong ba năm 2015- 2017 đạt bình quân 14%; năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 571,4 nghìn tỷ đồng (đứng thứ 7 trong cả nước), tăng 19%, giá trị xuất khẩu đạt 23,5 tỷ USD, tăng 23,4% so với năm trước, thu ngân sách tăng bình quân 25%/năm, năm 2017 đạt 12.643 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 68 triệu đồng/người, mỗi năm giảm bình quân gần 2% hộ nghèo (đến nay còn 9%); cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 55,4%; dịch vụ chiếm 32%, nông - lâm nghiệp - thủy sản giảm xuống chỉ còn 12,6%. Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Thái Nguyên Hoàng Thái Cương cho biết: "Nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế một cách bền vững, thời gian tới chúng tôi sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển hạ tầng du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, hạ tầng giao thông, đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN, CCN, các dự án sản xuất công nghiệp theo hướng công nghệ cao, hạ tầng đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018 được tổ chức đầu tháng 7 vừa qua, tỉnh đã trao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ đầu tư cho 50 dự án với tổng số vốn đầu tư 46.740 tỷ đồng".
Mặc dù là điểm sáng về thu hút đầu tư ở các tỉnh trung du, miền núi phía bắc nhưng trong quá trình thu hút đầu tư, tỉnh cũng cần chọn lọc, đánh giá, thẩm định năng lực tài chính, chuyên môn, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Bởi trên thực tế, sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư thì có tình trạng doanh nghiệp chậm triển khai dự án, thậm chí có trường hợp kéo dài hàng chục năm vẫn chưa hoàn thành dự án, hoặc không triển khai dự án, dự án triển khai không đạt chất lượng. Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho nhà đầu tư, có nơi, có lúc vẫn còn tình trạng trên "nóng" dưới "lạnh", một số dự án chưa được giao mặt bằng kịp thời, dẫn đến làm giảm cơ hội sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư. Nếu khắc phục những hạn chế này, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư sẽ là giải pháp quan trọng, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tỉnh Thái Nguyên cam kết với nhà đầu tư: thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin, giải quyết ngay kiến nghị từ phía các nhà đầu tư. Hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư khi có nhu cầu mở rộng sản xuất, thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ðầu tư lưới điện đến chân hàng rào dự án đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp. Hỗ trợ tốt nhất công tác giải phóng mặt bằng, áp dụng chính sách ưu đãi tối đa cho doanh nghiệp trong khung quy định của Chính phủ về miễn, giảm thuế, thuê đất, mặt nước. |
Theo báo Nhân dân