Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho ngành sản xuất này, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (Khuyến công Thái Nguyên) đã tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gỗ trên địa bàn đầu tư, ứng dụng máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất. Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại địa phương.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã tăng cường công tác phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng của các huyện, thị, thành phố triển khai nhiều đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất và chế biến gỗ. Trong đó, nổi bật là các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất và gia công đồ gỗ cho các hộ kinh doanh như: Hộ Dương Ngọc Quang (huyện Phú Bình); Nguyễn Văn Hùng (huyện Đại Từ); Mai Anh Tuân (huyện Định Hóa); Dương Văn Sơn (huyện Phú Bình); Lưu Quang Cúc (thị xã Phổ Yên), Ngô Xuân Hoàng (huyện Đại Từ), Đặng Thị Nga (TP Sông Công)…
Trước khi triển khai thực hiện đề án, các DN, cơ sở sản xuất đã được Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên tư vấn kỹ lưỡng, cung cấp những thông tin về trang thiết bị, máy móc để các đơn vị chủ động sử dụng nguồn vốn hợp lý, đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, công nghệ mới phục vụ sản xuất. Đến nay, các đơn vị này đã mở rộng quy mô sản xuất và sử dụng hiệu quả hệ thống máy móc, thiết bị được đầu tư mới. Qua đó, các cơ sở sản xuất gỗ theo phương thức truyền thống cũng từng bước thay đổi cách thức sản xuất, mang lại hiệu suất ngày một nâng cao.
Là một trong những đơn vị được thụ hưởng các ưu đãi từ chính sách khuyến công, ông Dương Ngọc Quang - Chủ cơ sở sản xuất và gia công đồ gỗ tại xã Dương Thành, huyện Phú Bình cho biết: “Cơ sở sản xuất đồ gỗ của tôi mới được thành lập váo tháng 5 năm 2017. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất giường tủ và bàn ghế. Ban đầu, do nguồn vốn còn hạn chế nên hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất chưa được đầu tư và cải tiến. Đến nay, trước đòi hỏi ngày càng cao của thị trường nội thất đồ gỗ, chúng tôi đã tìm cách thay đổi theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Trong năm 2018, chúng tôi được Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên hỗ trợ 100 triệu đồng thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy máy móc thiết bị trong sản xuất và gia công đồ gỗ”. Từ đó, gia đình chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư thêm hơn 220 triệu đồng nữa để mua mới 1 máy điêu khắc gỗ CNC. Đây là máy đa chức năng với 08 đầu khắc, vận hành hoàn toàn tự động thông qua hệ thống máy vi tính để gia công các loại gỗ có kích thước lớn, tạo ra các sản phẩm gỗ có độ chính xác cao, nâng cao năng suất lao động lên gấp nhiều lần so với sản xuất thủ công và tỷ lệ sai hỏng sản phẩm gần như bằng không. Đồng thời, trong quá trình sản xuất, tiếng ồn của máy giảm đi rất nhiều. Từ đó, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân, tiết kiệm điện năng, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm”.
Hộ kinh doanh Mai Anh Tuân thuộc xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa cũng là một trong những đơn vị được thụ hưởng nguồn vốn khuyến công 2018 của tỉnh chia sẻ: “Năm 2017, trước đề xuất của chúng tôi về việc đầu tư cải tạo nhà xưởng và mua sắm mới một số máy móc thiết bị trong sản xuất gỗ, đến đầu năm 2018, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã quyết định hỗ trợ chúng tôi. Theo đó, mức kinh phí được Trung tâm phê duyệt thực hiện đề án là gần 210 triệu đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng để mua mới 01 máy điêu khắc gỗ CNC đa chức năng với 04 đầu khắc. Sau một thời gian sử dụng, công nghệ mới đã đem lại hiệu quả rõ rệt, năng suất lao động tăng từ 8 – 10 lần và đem lại lợi nhuận hàng triệu đồng/năm. Đồng thời, giải quyết việc làm cho 05 lao động, với mức lương bình quân đạt 5 triệu đồng/người/tháng”.
Theo ông Nguyễn Đình Hùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết, Thái Nguyên có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp chế biến lâm sản với nguồn nguyên liệu dồi dào, phong phú. Cùng với đó là nguồn lao động tay nghề cao tại một số làng nghề trên địa bàn. Để hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp phát triển, những năm qua và đặc biệt trong năm 2018 này, Trung tâm đã triển khai nhiều đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất, chế biến gỗ. Đồng thời, giám sát, theo dõi tiến độ thực hiện nhằm đảm bảo các đề án khuyến công được triển khai đúng nội dung, mục đích. Qua đó, đã khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại và cung cấp đa dạng sản phẩm gỗ cho thị trường trong và ngoài nước…
Theo Đề án phát triển chế biến thương mại và quy hoạch mạng lưới chế biến lâm sản tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh sẽ phát triển khoảng 490 cơ sở chế biến gỗ với tổng công suất khoảng 530.000 m3 . Sản phẩm dự kiến đạt 157.000 m3 sản phẩm/năm và 157.000 tấn gỗ/năm. Trong đó, UBND đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ sử dụng các công nghệ, thiết bị tiên tiến của các nước phát triển. Đồng thời, đình chỉ hoạt động, tháo dỡ các cơ sở không đảm bảo tiêu chí, không đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản. |
Tuấn Anh