Tính chung tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước trong 5 tháng đầu năm đạt gần một triệu 753 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10% so cùng kỳ, mức tăng chủ yếu vẫn tập trung ở các nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng gia đình (các nhóm chiếm tỷ trọng lớn). Đáng chú ý, nhóm du lịch tăng mạnh 23% so cùng kỳ năm 2017 do bắt đầu vào mùa du lịch, cùng sự phục hồi của nền kinh tế và nỗ lực phát triển ngành du lịch Việt Nam.
Mặc dù 5 tháng qua, thị trường có nhiều dấu hiệu tích cực, song áp lực lạm phát trong thời gian tới rất lớn. Áp lực tăng giá chủ yếu do giá xăng dầu và một số nguyên liệu chính có xu hướng tăng, cộng với việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường một số dịch vụ công (y tế, giáo dục,...). Việc điều chỉnh lương cơ bản từ ngày 1-7 tới dự báo sẽ tác động đến giá các mặt hàng và nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Do vậy, Bộ Công thương nhận định, những tháng còn lại của năm, phải bám sát thị trường để điều hành bảo đảm ổn định vĩ mô, làm tiền đề, dư địa cho phát triển năm 2019 và những năm tiếp theo.
Theo báo Nhân dân