Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thành, từ ngày 4-7/5 trên sông Bưởi đoạn từ xã Thạch Lâm xuống xã Thành Vinh xảy ra hiện tượng cá sông và cá nuôi lồng bè chết hàng loạt.
Huyện Thạch Thành có 49 hộ nuôi cá lồng với 109 lồng bè, đến nay đã có 73 lồng nuôi cá của các xã Thạch Lâm, Thạch Quảng, Thành Mỹ, Thành Vinh bị chết với số lượng ước tính hơn 17,2 tấn.
Ngày 5/5, Sở TN&MT Thanh Hóa phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cùng với Phòng TN&MT huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) và Phòng TN&MT huyện Lạc Sơn (Hòa Bình), các xã ven sông Bưởi kiểm tra cụ thể việc xả thải của các nhà máy sản xuất trên địa bàn.
Qua kiểm tra đã phát hiện Nhà máy Đường Hòa Bình xả thải chưa qua xử lý ra sông Bưởi.
Theo biên bản làm việc, Nhà máy Đường Hòa Bình thừa nhận trong quá trình sản xuất đã thải nước chưa qua xử lý ra sông Bưởi (lưu lượng xả thải khoảng 300 m3/ngày đêm) trong thời gian sản xuất từ 15/3/2016 đến 25/4/2016).
Để chủ động ứng phó với nguồn nước bị ô nhiễm, khắc phục hiện tượng cá chết, giảm thiệt hại cho các hộ nuôi cá lồng trên sông Bưởi, UBND huyện Thạch Thành đã chỉ đạo các phòng, ban và địa phương có liên quan tuyên truyền cho các hộ dân không ăn cá chết, thu gom cá chết để xử lý theo quy định, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường; không cho gia súc, gia cầm uống nước, tắm trên sông và sử dụng nước ô nhiễm trong sinh hoạt.
Đối với các hộ dân nuôi cá lồng ở các xã chưa bị nhiễm nguồn nước độc khẩn trương di dời hoặc xuất bán để tránh rủi ro. Thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của nhân dân để kịp thời xử lý các trường hợp bị trúng độc do nguồn nước ô nhiễm gây ra…
Sau khi đi kiểm tra thực tế, trong buổi làm việc với UBND huyện Thạch Thành (ngày 7/5), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền nhấn mạnh tình trạng cá chết trên sông Bưởi là do nguồn nước ô nhiễm rất nghiêm trọng đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân 15 xã thuộc huyện Thạch Thành và nguy cơ đến 7 xã của huyện Vĩnh Lộc, gây thiệt hại cho người dân nuôi cá lồng trên sông.
Ông Nguyễn Đức Quyền đề nghị Sở TN&MT Thanh Hóa phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình xác định rõ nguyên nhân.
Trên cơ sở kết quả phân tích các mẫu nước, tham mưu cho UBND tỉnh để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo Trung tâm quan trắc tập trung thực hiện quan trắc ven sông Bưởi và thông báo các chỉ số cho các xã ven sông nắm rõ tình hình. Tăng cường cán bộ hướng dẫn nhân dân xử lý, tiêu hủy cá lồng chết và có biện pháp khắc phục cá chết trên sông.
Công an tỉnh điều tra việc gây ô nhiễm môi trường, nếu đủ điều kiện khởi tố vụ án.
Sở NN&PTNT tìm biện pháp khắc phục để nhân dân tái sản xuất.
Đối với Nhà máy nước Kim Tân, trên cơ sở phân tích các mẫu nước, nếu không bảo đảm an toàn thì dừng hoạt động và phối hợp với các ngành chức năng lên phương án cấp nước cho người dân sử dụng.
UBND huyện Thạch Thành nắm sát đời sống của bà con nuôi cá lồng bị thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Đồng Nai: Cá nuôi trên sông chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân
Theo Báo Đồng Nai, ngày 5/5, hàng trăm người dân nuôi cá trên sông La Ngà thuộc xã Phú Ngọc và La Ngà (huyện Định Quán) thấy cá nuôi bè bị nổi đầu và chết hàng loạt.
Những người dân nuôi cá bè nơi đây cho biết đa số cá chết đợt này là cá diêu hồng (mỗi con có trọng lượng từ 0,6 – 0,8 kg) đang chuẩn bị xuất bán.
Ngoài ra, cá chép, cá lăng cũng bị chết với số lượng lên đến trên 30 tấn cá, ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đến hiện trường lấy mẫu nước, mẫu cá để tìm nguyên nhân.
|
Theo Chinhphu.vn
(nguồn: Báo Thanh Hóa/Đồng Nai)