“Mật ngọt” hút FDI
Với cảng biển nước sâu Nghi Sơn, sân bay Thọ Xuân, mạng lưới giao thông đồng bộ, môi trường đầu tư thông thoáng, cùng với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức đi vào vận hành thương mại… được ví như những giọt mật ngọt đã giúp Thanh Hóa thu hút được 14,32 tỷ USD nguồn vốn FDI và trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.
Những năm gần đây với thế và lực mới, Thanh Hóa đã trở thành điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư của nước ngoài. Hiện này, tỉnh này đang có 93 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 14,32 tỷ USD. Riêng năm 2018 vừa qua, nguồn vốn FDI đã đầu tư vào Thanh Hóa lên đến 554,42 triệu USD, bằng 73,3% kế hoạch.
Đặc biệt, sự xuất hiện của dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn đã góp phần tăng thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn với 192 dự án đầu tư trong nước có tổng vốn đăng ký đầu tư 113.379 tỷ đồng. Trong đó, có 19 dự án FDI tổng vốn đầu tư 12.862,9 triệu USD. Ngoài ra, còn có một số dự án lớn đã góp sức lan tỏa như Nhà máy xi măng Nghi Sơn, Nhà máy điện mặt trời Thanh Hóa I, Nhà máy may Sakurai... các dự án này đã đóng góp chủ yếu vào giá trị sản lượng công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu ngân sách và tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.
Trong thời gian tới Thanh Hóa ưu tiên thu hút các dự án FDI về sản xuất, chế biến thép, cao su, linh kiện điện tử, phụ kiện ngành may mặc, hóa chất… tại Khu kinh tế Nghi Sơn, các Khu công nghiệp Hoàng Long, Lam Sơn - Sao Vàng, Bỉm Sơn. Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng thu hút các dự án FDI về sản xuất vùng lúa chất lượng cao gắn với chế biến gạo, vùng nguyên liệu ngô gắn với chế biến, vùng rau củ quả chất lượng xuất khẩu, chế biến gia súc gia cầm… tại các địa bàn huyện Quảng Xương, Thọ Xuân, Yên Định. Về lĩnh vực du lịch, tỉnh này sẽ thu hút các dự án FDI về xây dựng khách sạn cao cấp tại các địa bàn thành phố Sầm Sơn, các huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia, Nông Cống, Thường Xuân, Cẩm Thủy…
Tạo môi trường để nguồn vốn FDI “sống khỏe”
Chia sẻ về những kết quả đạt được trong thu hút nguồn vốn FDI, ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết, Thanh Hóa đang có thế và lực mới là có cảng nước sâu Nghi Sơn, sân bay Thọ Xuân, hạ tầng giao thông đồng bộ, cùng với chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi, cũng như thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định.
Nhiều dự án FDI đầu tư vào Thanh Hóa đã "bén rễ", hoạt động hiệu quả
Khi đi vào hoạt động, đa số các doanh nghiệp này hoạt động có hiệu quả đã giúp tốc độc tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn là 15,16% cao nhất từ trước đến nay, giải quyết việc làm cho 62.000 lao động. Đồng thời, giúp lực lượng lao động Thanh Hóa tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quản lý hiện đại.
Theo ông Lê Tuấn Anh, điển hình như Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào như miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản trong vòng 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất. Khi dự án đi vào hoạt động được miễn từ 11-15 năm tiền thuê đất, thuê mặt nước. Với các dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong suốt thời gian thực hiện dự án đó.
Thêm vào đó, khi người lao động vào làm việc tại Khu kinh tế Nghi Sơn cũng được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân. Về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án mới sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo….
Nhờ những chính sách ưu đãi kể trên, khu kinh tế Nghi Sơn đang dẫn đầu và là trụ cột thu hút vốn FDI của tỉnh Thanh Hóa. Trong khu kinh tế này đã thu hút được 42 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 13,215 tỷ USD; trong đó, đã có 25 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 17 dự án còn lại đang triển khai xây dựng; vốn thực hiện lũy kế đến hết tháng 9/2018 đạt 9,741 tỷ USD. Phần lớn các dự án tại đây đều hoạt động kinh doanh hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật.
Để tiếp tục thu hút ngồn vốn FDI và giúp nguồn vốn này có thể hoạt động hiệu quả, Thanh Hóa sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế thu hút mạnh mẽ dòng vốn này và lựa chọn phương án đầu tư có hiệu quả. Cùng đó, quảng bá và công bố rộng rãi các thông tin về quy hoạch đất đai, xây dựng, quy hoạch phát triển ngành và vùng kinh tế bền vững; xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư, các ưu đãi đầu tư, đảm bảo chất lượng có tính khả thi.
Nguồn Enternews