Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Sự vượt trội về tiềm năng và thế mạnh của TPHCM được khẳng định từ bề dày truyền thống kiên cường, năng động, sáng tạo, nghĩa tình của con người thành phố; từ vị trí đắc địa, thuận lợi cho sự kết nối trong, ngoài; từ giá trị lịch sử, văn hóa trong đấu tranh và xây dựng phát triển có sức hội tụ và lan tỏa của vùng đất…
TPHCM là đô thị lớn nhất về quy mô phát triển, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế. Những chỉ số về kinh tế - xã hội năm 2019 cho thấy, TPHCM đóng góp đến 24% GDP và 27% tổng thu ngân sách quốc gia. Năng suất lao động cao gấp 2,7 lần mức bình quân của cả nước. Đây là địa phương có khoảng 400.000 doanh nghiệp hoạt động (chiếm gần 1/2 số doanh nghiệp cả nước). Sân bay Tân Sơn Nhất kết nối với 72 thành phố trên thế giới. Hàng hóa đi qua hệ thống cảng trên địa bàn chiếm tỷ trọng lớn nhất, trên 100 triệu tấn/năm. Năm 2019, thành phố đón khoảng 8,5 triệu khách du lịch nước ngoài, lượng kiều hối đổ về trên 5 tỷ USD, thu hút đầu tư nước ngoài qua các hình thức đăng ký đầu tư và góp vốn khoảng 8 tỷ USD.
TPHCM là một vùng văn hóa, nơi có nhiều dân tộc, tôn giáo, có con người từ các vùng miền và các giai tầng xã hội, sống cùng nhau, tạo nên văn hóa đô thị đa màu sắc. Tất cả đã cùng nhau kiến tạo đời sống văn hóa và các giá trị nhân văn. Các vấn đề về an sinh xã hội luôn được người dân quan tâm và chung lo giải quyết, nhất là đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, thực hiện những giải pháp hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và khuyến khích các hoạt động trợ giúp xã hội. Thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo trước thời hạn. Đối với nông thôn ngoại thành, thành phố còn hơn 100.000ha đất nông nghiệp, việc xây dựng nông thôn mới ở 56 xã, cơ bản đã hoàn thành các tiêu chí. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm.
Tập trung xử lý những bài toán của mình
Để đáp ứng yêu cầu phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng sống của người dân, TPHCM sẽ tập trung xử lý nhanh và hiệu quả những bài toán của mình. Đó là những những vấn đề liên quan đến quy hoạch và quản lý đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nhằm tạo sự kết nối thông thoáng hơn trong phạm vi thành phố, với các địa phương trong vùng và với bên ngoài… Đó là việc tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, có giá trị cao. Đó là cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí lao động và phục vụ người dân tốt hơn. Đó là việc xây dựng nền tảng văn hóa, cải thiện điều kiện sống, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống khi mật độ dân số ngày càng tăng...
Cùng với việc xử lý những vấn đề đặt ra, lãnh đạo thành phố đang thúc đẩy triển khai thực hiện những đề án nhằm tạo bước chuyển mới, phù hợp với thời kỳ mới, như xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh gắn với Khu đô thị sáng tạo ở phía Đông thành phố và chuẩn bị tiền đề để thành phố trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế.
Để tạo sự bứt phá, thành phố sẽ tiếp tục đề xuất những cơ chế chính sách từ những bất cập của thực tiễn và từ việc thực hiện thí điểm thành công các cơ chế đặc thù, quy định tại các nghị quyết của Quốc hội như: Nghị quyết số 26/2008/QH12 về thí điểm không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường; Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Một số cơ chế, chính sách thành phố mong sớm có sự chỉ đạo, xem xét ban hành, đó là:
- Cho phép thành phố thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, nhằm giảm tầng nấc trung gian, tinh gọn biên chế, giúp bộ máy vận hành và xử lý nhanh những vấn đề của người dân. Gắn liền với xây dựng bộ máy hành chính tinh hoa, vượt trội, có trình độ, năng lực quản lý tương đương với các thành phố trong khu vực.
- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhất là một số vấn đề về tài chính, khắc phục tình trạng “xin - cho”, tạo sự chủ động và phát huy tối đa trách nhiệm của địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, phục vụ cho yêu cầu phát triển và dân sinh của một thành phố lớn.
- Có chính sách thông thoáng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cùng các sản phẩm chủ lực và tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển với quy mô lớn, khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước (hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp vừa lớn đã bán).
TPHCM đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, trong quá trình phát triển đã luôn cùng cả nước, vì cả nước, sẽ phải phấn đấu để xứng đáng là thành phố đầu tàu. Khát vọng vươn lên của thành phố còn là thu hẹp khoảng cách và tiến tới bắt kịp các thành phố thành công trong khu vực ASEAN và châu Á.
Trách nhiệm đối với tự mình là rất lớn nhưng vấn đề của TPHCM không chỉ là của TPHCM. Cần có giải pháp tổng thể, kết hợp chính sách Trung ương và sự nỗ lực của địa phương, sự đồng lòng của lãnh đạo và người dân thành phố.
Theo sggp.org.vn