Thứ Bẩy, 23/11/2024 22:37:55 GMT+7
Lượt xem: 1209

Tin đăng lúc 14-02-2022

Thành phố Hồ Chí Minh: Để du lịch sớm phục hồi

Năm 2022, ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ khôi phục và phát triển khi thành phố đã là “vùng xanh” về phòng, chống dịch Covid-19. Hiện, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngành Du lịch sớm phục hồi...
Thành phố Hồ Chí Minh: Để du lịch sớm phục hồi
Ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ bứt phá trong năm 2022

Xây dng các kch bn, l trình

 

Tại thành phố Hồ Chí Minh, dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế giúp đa phần các hoạt động kinh tế - xã hội được khôi phục trở lại. Trong bối cảnh đó, ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2022 sẽ đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế.

 

Theo Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, kế hoạch này được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ tháng 1 đến tháng 3-2022) sẽ đón khách là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, công dân Việt Nam có "hộ chiếu vắc xin". Đối với khách dưới 18 tuổi chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 hoặc tiêm chưa đủ liều thực hiện nghiêm các yêu cầu về xét nghiệm và các quy định khác của Bộ Y tế. Giai đoạn 2 (từ tháng 4-2022 trở đi), mở rộng thêm nhiều đối tượng là khách du lịch từ 18 đến 65 tuổi.

 

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Cẩm Tú cho biết, để thu hút du khách quốc tế trong năm 2022, thành phố sẽ tích cực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế trực tiếp và trực tuyến; các hoạt động của các tổ chức du lịch quốc tế mà thành phố là thành viên; tiếp thị sản phẩm, dịch vụ du lịch qua các kênh quốc tế…

 

Đối với khách du lịch nội địa, thành phố Hồ Chí Minh đưa ra 2 kịch bản. Thứ nhất, nếu tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt, hoạt động du lịch trở lại trạng thái "bình thường mới", khách du lịch nội địa năm 2022 ước đạt 25 triệu lượt. Thứ hai, nếu tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, khách du lịch nội địa năm 2022 ước đạt 18 triệu lượt.

 

“Với hiệu quả từ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực tế mở cửa thành công các dịch vụ, các hoạt động kinh tế - xã hội trong thời gian qua, tôi thấy thành phố có đủ điều kiện tái mở cửa thị trường du lịch. Tôi mong ngày đó mau đến, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển”, anh Nguyễn Trí Hảo, một người kinh doanh hàng lưu niệm phục vụ du khách trong chợ Bến Thành (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) nói.

 

Trin khai đồng b nhiu gii pháp

 

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) Trần Đoàn Thế Duy cho rằng, một trong những yếu tố để du lịch thành phố Hồ Chí Minh có thể phục hồi nhanh chóng là sự phối hợp, tính đồng bộ trong các quy định liên quan giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đơn cử như sự nhất quán trong tiêu chí kiểm soát dịch, từ đó, các doanh nghiệp lữ hành chủ động nắm bắt thông tin để xây dựng kế hoạch kinh doanh phục vụ khách hàng.

 

Theo Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa, Sở đã chủ động làm việc với nhiều cơ quan quản lý chuyên ngành của các tỉnh, thành phố để phối hợp triển khai những tour, tuyến du lịch trong nước. Tại thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động du lịch được triển khai theo nguyên tắc “An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó và mở cửa phải an toàn”. Trong đó, thị trường nội địa được xác định giữ vai trò chủ lực. Thành phố chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng để công tác xúc tiến du lịch đạt hiệu quả cao nhất. Đơn cử, Sở Du lịch cùng Công ty Bến Thành Tourist đã đưa vào khai thác sản phẩm du lịch “Trải nghiệm tour xe đạp trên vùng đất thép”. Tham gia tour, du khách được đạp xe đến các vườn cây, len lỏi qua những con đường quê trong buổi chiều tà và ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn... tại vùng đất thép Củ Chi.

 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng thông tin, UBND thành phố đã yêu cầu ngành Du lịch và các sở, ngành liên quan tập trung xây dựng hoàn chỉnh chiến lược phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030; triển khai kế hoạch đón khách quốc tế an toàn; đề xuất giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành; phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống. Ngoài ra, ngành Du lịch thành phố chú trọng triển khai các đề án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, phát triển du lịch thông minh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. “UBND thành phố Hồ Chí Minh sẽ luôn ưu tiên nguồn lực và cam kết đồng hành với doanh nghiệp du lịch để giúp lĩnh vực này sớm phục hồi, phát triển”, bà Phan Thị Thắng khẳng định.

 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục chủ động, linh hoạt triển khai lộ trình phục hồi du lịch. Trọng tâm là sản phẩm du lịch nội đô, khai thác thế mạnh của địa phương. Đồng thời, tập trung thực hiện kế hoạch phục hồi du lịch trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch Covid-19, sẵn sàng đón khách quốc tế.


Theo báo Hà Nội mới

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang