Một ngày trước khi khép lại năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thay thế Nghị quyết 16 đã hoàn thành "sứ mệnh lịch sử" 10 năm dẫn dắt.
Đó cũng là một trong những chỉ dấu quan trọng về điểm mốc 2023 - khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới, với những phép tính tái cấu trúc - định vị cho thành phố thời kỳ hậu đại dịch nhằm một mặt tháo gỡ các rào cản thể chế, khơi thông sức mạnh nội lực; mặt khác tận dụng mọi thời cơ hội nhập, khả năng liên kết và sức sáng tạo, từng bước làm chủ công nghệ để đạt được mục tiêu "thúc đẩy TPHCM phát triển nhanh, bền vững…, sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu" (trích từ Nghị quyết 31).
Năm 2022 đánh dấu thành quả "lấy lại những gì đã mất", từ đó tạo đà cho bước nhảy 2023 và những nỗ lực tăng tốc trong các năm tiếp theo. Tác động nghiêm trọng của đại dịch COVD-19 đã khiến cho con số tăng trưởng GRDP thấp, chưa từng có tiền lệ của năm 2020 với 1,16% và 5,36% của năm 2021.
Tuy nhiên, qua 2 năm, Thành phố đã phục hồi "ngoài mức tưởng tượng" với các chỉ số kinh tế quay về cột mốc năm 2019, đi kèm với đó là kiểm soát tốt dịch bệnh, củng cố hệ thống y tế cơ sở. Trong đó, so với cùng kỳ, GRDP tăng trưởng 9,03%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 471.562 tỷ đồng, tăng 23,6%; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3%; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10%.
Đó chính là minh chứng sống động nhất cho sự đoàn kết và nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền các cấp, bộ máy sở, ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tất cả - như một lời đưa tiễn hơn 2 vạn đồng bào đã nằm xuống trong đại dịch và là hành động thiết thực để bù đắp cho những người còn sống, tiếp tục phấn đấu tái thiết Thành phố, cam kết nâng cao chất lượng sống cho mỗi người dân.
Một trong những biểu hiện cụ thể là ngay sau đại dịch, một chiếc áo mới, đẹp và văn minh hơn đã khoác lên không gian công cộng Thành phố với việc hoàn thành cải tạo, nâng cấp Công viên Bến Bạch Đằng và Công viên Mê Linh; khánh thành cầu Thủ Thiêm 2; mở rộng và kết nối không gian phố đi bộ ở lõi trung tâm Thành phố. Điều đáng ghi nhận là quan điểm vừa chỉnh trang, tôn tạo để khai thác ưu thế kinh tế - dịch vụ trong di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, vừa tạo lập, giữ gìn các giá trị văn hóa trong các công trình kiến trúc, không gian đô thị, đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân.
Đặc biệt, được xem như là "nút khởi động" cho Nghị quyết 31, đi cùng Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế -xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ là hàng loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn đã được triển khai như: Hoàn thành các thủ tục khởi công dự án Vành đai 3; khởi công dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; nhiều công trình giao thông phục vụ dân sinh của Thành phố…
Đó chính là những "đường dẫn" cho sự phát triển vượt bậc trong giai đoạn tới. Bên cạnh những thành tựu đạt được, Thành phố nhìn nhận một số hạn chế, điểm nghẽn cần rút ra kinh nghiệm trong điều hành kinh tế - xã hội năm 2022 để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, nhất là tỉ lệ giải ngân đầu tư công đạt thấp; công tác phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện vẫn chưa thông suốt, hiệu quả cải cách hành chính vẫn cứ giậm chân ngoài… top 10; khả năng dự báo, phân tích, đánh giá chưa sát với thực tế.
Chuẩn bị tâm thế cho năm mới với 8 "mũi tiến công"
Năm 2023 là năm bản lề của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX và trên cơ sở rút ra những bài học kinh nghiệm trong điều hành, ngay từ những ngày cuối năm 2022, Thành phố đã xác định chủ đề năm 2023: "Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội" và tập trung bàn sâu, đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra. Trong đó, nổi lên tám nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là, chủ động, linh hoạt trong điều hành kinh tế - xã hội, tập trung tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tính tự chủ và khả năng chống chịu, thích ứng, tập trung phát triển các thị trường. Trong đó, nâng cao chất lượng kinh tế dịch vụ, kinh tế đô thị; tập trung phát triển một số sản phẩm và ngành công nghiệp chủ lực phù hợp lợi thế cạnh tranh của Thành phố và trong tổng thể phát triển kinh tế Vùng Đông Nam Bộ theo tinh thần Nghị quyết 24/NQ-TW.
Hai là, đẩy nhanh tiến độ 51 chương trình, đề án thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, thuộc 3 chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm.
Ba là, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tổng thể thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến 2040, tầm nhìn đến 2060.
Bốn là, phối hợp nghiên cứu, chủ động đề xuất cơ chế, chính sách phát triển Thành phố và cơ chế thực hiện thí điểm những vấn đề mới, mô hình mới, mô hình tiên tiến tạo động lực kiến tạo và phát triển Thành phố theo tinh thần Nghị quyết 31/NQ-TW và Nghị quyết 54/NQ-QH14.
Năm là, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng cơ chế triển khai thí điểm Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; khuyến khích, đề bạt, khen thưởng cán bộ năng động sáng tạo, bảo vệ cán bộ khi thực hiện thí điểm nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn (có thiệt hại nhưng không vì mục đích tư lợi).
Sáu là, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, hiệu quả hoạt động công vụ và đẩy mạnh cải cách hành chính.
Bảy là, đề xuất các giải pháp về việc tăng cường huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đầu tư công và đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm.
Tám là, xây dựng thành phố thông minh; phát triển đô thị bền vững, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xứng tầm với Thành phố; quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
TPHCM luôn tràn đầy sự năng động và khát vọng, ý chí vươn lên. Để Thành phố vững niềm tin tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023 và những năm tiếp theo, bên cạnh quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp thì sự chung tay và hỗ trợ, phối kết hợp từ các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế trong cả nước mang ý nghĩa quan trọng và cần thiết.
Trước mắt, trong năm 2023, Thành phố mong các bộ, ngành cùng Thành phố xây dựng để Quốc hội ban hành Nghị quyết mới với những cơ chế, chính sách đặc thù và nổi trội, tương xứng với tiềm năng và lợi thế phát triển của Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi và không gian để Thành phố bứt phá trong thời gian tới.
Những thời khắc cuối cùng của năm Dần sắp qua đi, cũng là lúc chúng ta hòa vào đất trời để "dọn dẹp" những gì còn bộn bề, chuẩn bị một tâm thế chào đón năm mới Quý Mão 2023 bằng tất cả lòng biết ơn trước những nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận và tiếp sức của mọi tầng lớp nhân dân, của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương, Thành phố qua các thời kỳ, vì sự lớn mạnh, phát triển của thành phố. Mà sự hồi đáp, không gì khác ngoài phấn đấu từng ngày, từng giờ, từng vị trí công tác, trong mỗi công việc của từng cán bộ, công chức, đảng viên để cùng vững tin khát vọng vươn lên, tất cả vì Thành phố thân yêu, vì trách nhiệm của Thành phố trước đồng bào cả nước.
Phan Văn Mãi, Ủy viên BCH Trung ương Đảng,
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM
Theo báo Chính phủ