Thách thức còn ở phía trước
Trong 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 177.803 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 3,6%). Trong đó, nhiều lĩnh vực quan trọng đều giảm như: Thương mại, bán lẻ hàng hóa chiếm 65,73%, giảm 5,4%; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 4%, giảm 49,6%; du lịch lữ hành chiếm 0,37%, giảm 48,7%; dịch vụ khác chiếm 29,8%, giảm 36,2%.
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù kinh tế thành phố đang dần phục hồi trở lại, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn vẫn đang được kiểm soát tốt, nhưng sự xuất hiện của các biến chủng mới; đồng thời, giá cả xăng dầu, hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới cũng như trong nước có xu hướng tăng lên, dự báo sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, dịch vụ trong quý I-2022.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, trong 2 tháng đầu năm, thành lập doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài đều giảm về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động cao hơn số lượng doanh nghiệp thành lập mới (9.425 doanh nghiệp tạm ngưng so với 4.700 doanh nghiệp thành lập).
Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình, diễn biến phức tạp của biến chủng Omicron sẽ tác động ít nhiều đến nỗ lực phục hồi kinh tế của thành phố. Thực tế cho thấy, sức mua hiện tại chưa đạt như mức trước khi xảy ra dịch Covid-19. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bà Võ Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Trước bối cảnh các thách thức từ bên ngoài, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi số trong công tác quản trị, điều hành. Việc này cũng rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền thành phố".
Triển khai nhiều giải pháp
Năm 2021, khu vực thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 63,4% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2022, thành phố đặt mục tiêu duy trì tỷ trọng khu vực thương mại - dịch vụ trong GRDP trên 60%. Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực thương mại - dịch vụ lại giảm sâu so với cùng kỳ. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, từ ngày 15-3, thành phố sẽ mở cửa hoàn toàn về hoạt động du lịch quốc tế. Đây là cơ hội để ngành thương mại - dịch vụ phục hồi đầy đủ và lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Liên quan đến vấn đề thúc đẩy tổng cầu cho kinh tế thành phố, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin, cơ quan này đã làm việc với hiệp hội các doanh nghiệp, các ngành nghề, tất cả đều cho rằng thu nhập của người tiêu dùng vẫn chưa trở lại thời điểm trước dịch nên việc ổn định giá cả hàng hóa để kích thích tiêu dùng rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh chính sách áp dụng chung cả nước, thành phố sẽ hỗ trợ tối đa cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiết giảm chi phí đầu vào như hỗ trợ kết nối với các nguồn cung nguyên vật liệu, khơi thông hệ thống logistics, cắt giảm thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh...
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu từ tháng 3-2022, thành phố sẽ quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thiết thực, có trọng tâm để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trước mắt, thành phố sẽ rà soát, kiện toàn lại các tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp từ cấp thành phố đến địa phương. Theo đó, thành phố sẽ tìm ra các tồn đọng, vướng mắc để phân nhóm, giải quyết triệt để. Thường trực UBND thành phố cũng yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính thành phố ngay trong tháng 3-2022 phải hoàn thành quy chế phối hợp xử lý thủ tục hành chính giữa các sở, ngành thành phố. Ngoài ra, trong tháng 3, thành phố sẽ đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công thành phố theo hướng thống nhất một đầu mối tiếp nhận thủ tục hành chính trực tuyến.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thông tin, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu Văn phòng UBND thành phố phối hợp với các sở, ngành hệ thống lại các khó khăn, vướng mắc, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp. Ngay trong tháng 3-2022, chính quyền thành phố sẽ gặp gỡ đối thoại trực tiếp nhằm giải quyết ngay từng vấn đề, dự án cụ thể với tinh thần hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển ổn định, góp phần vào tăng trưởng chung cho nền kinh tế thành phố.
Theo Hà Nội mới