Thứ Sáu, 22/11/2024 23:49:40 GMT+7
Lượt xem: 1530

Tin đăng lúc 11-04-2019

Thành phố Hòa Bình hướng đến mục tiêu Đô thị loại II

Vừa qua, thành phố Hòa Bình đã nhận được Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018.
Thành phố Hòa Bình hướng đến mục tiêu Đô thị loại II
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao bằng công nhận Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018

Theo đó, tại Quyết định số 269/QĐ-TTg ngày 8/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ thành phố Hòa Bình đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2018.

 

Thành phố Hòa Bình là đơn vị cấp huyện đầu tiên của các tỉnh Tây Bắc cũng như của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Đây được xem sẽ là tiền đề quan trọng để thành phố Hòa Bình phấn đấu trở thành đô thị loại II vào năm 2020.

 

Là tỉnh lỵ của Hòa Bình nhưng thành phố Hòa Bình lại có đến 75% địa hình là đồi núi với 15 đơn vị hành chính gồm 8 phường và 7 xã, dân số thành phố có trên 96.667 người (12/2016) với các dân tộc như Kinh, Mường, Dao, Thái, Tày….  Khắc phục những khó khăn chung của môt tỉnh miền núi, qua 8 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, TP. Hòa Bình đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện làm đổi thay bộ mặt nông thôn rõ rệt: 100% các xã đạt tiêu chí giao thông, thủy lợi, 100% xã có hệ thống điện hộ sử dụng điện thưởng xuyên an toàn, đáp ứng yêu cầu của ngành điện, 100% xã có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt yêu cầu, 86% trường học các cấp trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn quốc gia; 100% xã đạt tiêu chí về chợ nông thôn; 100% xã không còn nhà tạm dột nát trong đó có 91,96% hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định; 98,5% cư dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo quy định. Đời sống của người dân được cải thiện, thu nhập bình quân khu vực nông thôn trên địa bàn Thành phố đạt 39 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,05%; 90,3% người dân tham gia BHYT; 100% số hộ đạt chuẩn tiêu chí văn hóa theo quy định.

 

Nói về công tác xây dựng nông thôn mới của thành phố Hòa Bình trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hòa Bình trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có những cách làm sáng tạo, khơi dậy sức dân để về đích trước 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hòa Bình lần thứ 22, nhiệm kỳ 2015-2020, tạo động lực phát triển toàn diện kinh tế- xã hội. Đồng thời ông Quang cũng yêu cầu các xã sau khi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ tiến hành xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, có sản phẩm hàng hóa chủ lực có sức cạnh tranh cao.

 

Theo báo cáo của UBND thành phố Hòa Bình, trong thời gian qua, thành phố đã tập trung thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ khâu quy hoạch, thực hiện quy hoạch, huy động nguồn lực, đến thực hiện các tiêu chí, ưu tiên đầu tư cho các xã khó khăn, đặc biệt tập trung đầu tư xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm. Tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố trong 8 năm thực hiện trên 800 tỷ đồng;… Đến nay, hệ thống giao thông tại 7/7 xã trên địa bàn thành phố được bê tông hóa; 100% xã có hạ tầng, hệ thống thủy lợi, điện, nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn; 7/7 xã có nhà văn hóa và khu thể thao xã, 58/58 xóm có nhà văn hóa, khu thể thao đảm bảo theo quy định.

 

 

Bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng thì du lịch gắn với thế mạnh hồ Hòa Bình và các giá trị văn hóa truyền thống cũng đang là một hướng đi hiệu quả.

 

Ông Quách Tùng Dương, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hòa Bình cho biết: Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, phát huy nội lực thành phố, sau 8 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn bộ 7/7 xã thuộc thành phố gồm Dân Chủ, Thống Nhất, Sủ Ngòi, Hòa Bình, Yên Mông, Thái Thịnh, Trung Minh được UBND tỉnh công nhận đạt danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có xã Thái Thịnh thuộc vùng hồ Hòa Bình đặc biệt khó khăn về cơ sở hạ tầng và không có đồng ruộng.

 

Ông Dương chia sẻ bài học kinh nghiệm rút ra của thành phố Hòa Bình là chủ động lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng trên cùng một địa bàn; coi trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt đối với các thiết chế văn hóa. Trong phát triển sản xuất, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển vùng sản xuất rau tập trung, phát triển nuôi trồng thủy sản.

 

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thành phố đạt 57 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,31%, 91% lao động khu vực nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định. Thành phố không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.

 

 

Một góc thành phố Hòa Bình mới đạt chuẩn NTM năm 2018.

 

Với phấn đấu trở thành đô thị loại II vào năm 2020, thành phố Hòa Bình đang có lợi thế rất lớn khi đang được thụ hưởng dự án “Chương trình đô thị miền núi phía bắc- thành phố Hòa Bình” do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ với tổng mức đầu tư lên đến hơn 686 tỷ đồng nhằm cải thiện hạ tầng đô thị và quy hoạch. Việc được Thủ tướng công nhân hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018 một lẫn nữa khẳng định quyết tâm của thành phố Hòa Bình trong việc sớm vươn tầm đô thị loại II trong tương lai không xa.

 

Nguồn Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang