Nhiều tiện lợi hơn...
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) Nguyễn Quang Minh cho biết, trong thời gian gần đây, các ngân hàng đã tăng cường ứng dụng công nghệ, phát triển sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu mua trước, trả sau của khách hàng. Trong quý I-2022, số lượng giao dịch trực tuyến trên hệ thống Napas tăng 89%, với giá trị tăng 123% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, giao dịch rút tiền mặt qua máy rút tiền tự động (ATM) giảm 9,6% về số lượng và 8,8% về giá trị. Thanh toán qua ví điện tử có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017-2021 là 80,43% về số lượng và 71,86% về giá trị. Điều đó cho thấy việc thanh toán qua ứng dụng điện tử gia tăng nhanh chóng.
Trên thực tế, đại dịch Covid-19 đã góp phần quan trọng làm thay đổi thói quen tiêu dùng. Thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng thanh toán trực tuyến lên ngôi, thay thế phương thức thanh toán truyền thống buộc các ngân hàng phải thay đổi. Đơn cử, Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số nổi bật, như mở tài khoản trên ứng dụng, giao dịch bằng sinh trắc học mà không cần giấy tờ hay thẻ ngân hàng… Nhờ vậy, lượng khách hàng của TPBank hiện đã tăng từ 3 triệu người năm 2019 lên 5 triệu người năm 2021, trong đó 50% khách hàng thường xuyên giao dịch trên các kênh điện tử.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Thị Kim Oanh thông tin, quy mô giao dịch qua các nền tảng số của Vietcombank trong quý I-2022 tăng trưởng 62,5% về số lượng và gần 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng đạt khoảng 1,5 triệu giao dịch trực tuyến/ngày. Phương thức thanh toán bằng mã QR tăng hơn 2 lần. Đối với giao dịch thẻ nội địa, doanh số rút tiền mặt giảm đồng thời doanh số thanh toán thẻ tăng 25%; tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ trực tuyến đạt 36%... “Có thể thấy, khách hàng đã có sự thay đổi về cách thức sử dụng phương tiện thanh toán, hạn chế chi tiêu tiền mặt, chú trọng các hình thức không dùng tiền mặt”, bà Nguyễn Thị Kim Oanh nói.
Về phía khách hàng, chị Vũ Minh Phương (đường Lê Duẩn, quận Đống Đa) chia sẻ: “Nhờ các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, việc mua sắm trở nên dễ dàng, tiết kiệm thời gian và chi phí. Các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại là xu hướng của giới trẻ hiện nay”.
Xu hướng ngày càng phổ biến
Thống kê mới nhất cho thấy, Việt Nam mới chỉ có 6,5 triệu thẻ tín dụng so với dân số gần 100 triệu người. Doanh số sử dụng thẻ tín dụng mới chỉ đạt khoảng 220.000 tỷ đồng, nên tiềm năng còn rất lớn. Vì vậy, quy trình phát hành thẻ tín dụng đang được các ngân hàng thay đổi theo hướng số hóa và cấp hạn mức trước cho các khách hàng sử dụng thường xuyên các dịch vụ của ngân hàng. Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thị Kim Oanh nhận định, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến tại Việt Nam với sự quan tâm định hướng của Chính phủ và sự hưởng ứng của cộng đồng người tiêu dùng. Sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ và sự phổ biến của thiết bị di động thông minh tạo nền tảng cho việc phát triển phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngày thẻ Việt Nam năm 2022 dự kiến tổ chức vào các ngày 16 và17-4 tới sẽ thu hút khoảng 20 ngân hàng, tổ chức tài chính, 100 doanh nghiệp đối tác và 15.000 người tham gia. Theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Lê Anh Dũng, đây là sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy hơn nữa việc thanh toán không dùng tiền mặt, trong bối cảnh người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ đã làm quen và sử dụng thành thạo các phương thức thanh toán hiện đại, như: Thẻ không tiếp xúc, thanh toán bằng mã QR, ví điện tử...
Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, mục tiêu đến năm 2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ) đặt mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng, giá trị giao dịch không dùng tiền mặt 20-25%/năm; đến cuối năm 2025, 80% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần Tổng sản phẩm nội địa (GDP), thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%...
Để đạt được các mục tiêu trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai nhiều giải pháp, như: Hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách liên quan; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả; khuyến khích hợp tác giữa ngân hàng với tổ chức công nghệ tài chính; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa.
Theo Hà Nội mới