Chủ trì cuộc họp Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng XIII với TP. HCM và một số địa phương ngày 7/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, TP.HCM và 7 tỉnh tiếp tục là vùng động lực phát triển của đất nước.
“Do vậy, hành động, tư duy của chúng ta phải cao hơn trong phát triển, bảo đảm sự đồng bộ, toàn diện, đặc biệt là lo cho dân ấm no, hạnh phúc, an toàn. Phát triển theo hướng bảo vệ môi trường, phát triển xanh. Chú trọng khoa học công nghệ trong thời đại 4.0”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nghẽn đủ đường
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ nhận định, TP. HCM và 7 tỉnh Nam Bộ này còn đối diện nhiều tồn tại, bất cập, đặc biệt là hạ tầng kết nối vấn đề an ninh an toàn xã hội, kinh tế và văn hóa, thậm chí là chất lượng phát triển.
Phải tổ chức thực hiện liên kết vùng một cách khách quan, trách nhiệm. Trong đó, vấn đề kết nối hạ tầng là một vấn đề lớn, một "điểm nghẽn" cần giải quyết. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay có nghẽn về hàng không do sân bay quá tải, nghẽn ở cảng biển, nhất là đường bộ đang tắc nghẽn nghiêm trọng.
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đóng góp giá trị GDP của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lớn hơn của 3 vùng cộng lại. Tuy nhiên, hiện nay đầu ra đầu vào mất cân đối. Với 10 km2 đất ở TP. HCM mới chỉ có 2km đường, phải xây dựng 50 năm nữa thành phố mới đủ đường giao thông.
“Hiện vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ có khoảng 91km đường cao tốc, chỉ bằng 11% cao tốc cả nước. Doanh nghiệp gấp 6 lần, hàng hóa vận tải gấp 5 lần nhưng hạ tầng phát triển chưa tương xứng, về lâu dài là không ổn, đường chật, nhà chật thì không thể thu hút bền vững”, ông Nhân nói.
Có cùng quan điểm, TS Trần Du Lịch, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP. HCM nhận định, vấn đề giao thông kết nối và phát triển đô thị vùng là hai vấn đề quan trọng nhất đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Lịch cho rằng, các vùng không kết nối được là do giao thông. Phát triển chuỗi vùng đô thị mà không có giao thông kết nối là thất bại. "Tôi đi từ Lào Cai, Yên Bái đến Vân Đồn bằng đường cao tốc sướng lắm. Tâm tư là vùng kinh tế này làm sao có cao tốc như vậy để phát triển. Hiện các đường vành đai ở vùng kinh tế trọng điểm chưa kết nối được, các đường cao tốc chưa được bao nhiều”,ông Trần Du Lịch cho hay.
Cơ chế phát huy nguồn lực doanh nghiệp
Do đó, TS Trần Du Lịch cho rằng, để tạo động lực cho phát triển vùng, cần lồng ghép chính sách đặc biệt để phát triển quy hoạch hệ thống giao thông. Có bộ phận nghiên cứu trực tiếp nhằm tham mưu phát triển vùng chứ không kiêm nhiệm như hiện nay.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, phải có cơ chế phát huy nguồn lực doanh nghiệp để xây dựng hạ tầng cho vùng, trong đó tiên quyết là hệ thống giao thông logistics gắn với phát triển công nghiệp- đô thị.
"Cùng với đó là cơ chế điều phối vùng cần phải có sự phân cấp phân quyền mạnh hơn, cụ thể, thực chất, trọng tâm hơn. Đại diện lãnh đạo Chính phủ với tầm nhìn quốc gia, vai trò khách quan, có thể trực tiếp chỉ đạo vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để bổ sung hỗ trợ TP. HCM và các tỉnh, đưa ra những quyết định quyết liệt, những quả đấm thép thì mới có thể tạo bứt phá", Chủ tịch HĐQT Becamex IDC Bình Dương Nguyễn Văn Hùng nói.
Đồng tình với kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, để xây dựng các tuyến giao thông kết nối vùng cần tập trung các nguồn lực. Trong đó, cần được Quốc hội thông qua nguồn vốn lớn, huy động nguồn vốn địa phương. Chứ trông chờ vào Trung ương thì điểm nghẽn giao thông sẽ kéo dài”.
Từ các ý kiến của địa phương về thực trạng tình hình, đánh giá, kiến nghị, đề xuất phương hướng nhiệm vụ 5 năm, 10 năm đến, tầm nhìn đến 2045, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng XIII sẽ tổng hợp, phân tích, đánh giá, cùng với tình hình chung của cả nước để xây dựng 2 báo cáo trình Đại hội Đảng XIII về Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm.
Thủ tướng cho biết, đã giao nhiệm vụ đối với 41 chuyên đề nghiên cứu cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học, trong đó có TP.HCM. Trên cơ sở đó, Tiểu ban xây dựng đề cương chi tiết để báo cáo Trung ương tại kỳ họp tới. “Cho nên, để hoàn thiện đề cương báo cáo và báo cáo đầy đủ, thì việc tổng hợp tình hình thực tiễn, kiến nghị, đề xuất từ các địa phương là hết sức quan trọng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt là cách vận dụng sáng tạo mô hình mới, thành công, hiệu quả, những vướng mắc, nút thắt, là vấn đề trọng tâm nhất cần giải quyết ở địa phương. Thủ tướng cho rằng, không chỉ nói tình hình, thành công, kết quả… mà cần đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, sáng tạo thời gian tới. |
Theo enternews.vn