Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, lượng xe nhập khẩu từ Trung Quốc đang tăng mạnh. Năm 2014, cả nước nhập khẩu 76.780 xe thì trong 10 tháng của năm 2015 lượng nhập khẩu 105.151 xe. Cụ thể, 10 tháng của năm 2015, Việt Nam nhập khẩu hơn 15.000 xe sơ mi rơ moóc từ Trung Quốc, trong khi nhập từ các nước khác chỉ 33 chiếc, nhập khẩu gần 10.000 xe tải tự đổ, trong khi số nhập khẩu từ các nước khác là hơn 7.400 chiếc.
“Có hiện tượng tăng trưởng “nóng” về số lượng xe tải nhập khẩu từ Trung Quốc. Lượng xe này tập trung ở một số dòng xe có tải trọng lớn như ô tô tải tự đổ, ô tô đầu kéo, sơ mi rơ moóc các loại”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam nhìn nhận.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tăng số lượng loại xe này, ông Đặng Việt Hà, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, thực tế, đã có một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ, trang thiết bị để sản xuất loại xe tải cỡ lớn như Maz, Kamaz, Hino,Thaco-Foton, Fuso... nhưng hiện tại số lượng xe xuất xưởng rất khiêm tốn, do không cạnh tranh được về giá với dòng xe tương ứng được nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là ôtô đầu kéo không sản xuất trong nước. Vì thế, doanh nghiệp lựa chọn mua xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc.
Một nguyên nhân nữa phải nói đến, theo Cục Đăng kiểm, từ khi Chính phủ và Bộ GTVT tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải thì nhu cầu về tăng số đầu phương tiện tăng nhanh.
“Trước đây khi ta buông lỏng quản lý, hầu như các xe đều chở quá tải, cá biệt có những trường hợp chở quá tải đến 300-400%. Hiện nay, việc kiểm soát tải trọng được thực hiện hiệu quả, phương tiện đã chở đúng tải trong khi nhu cầu vận tải hàng hóa vẫn tăng nên dẫn đến cần tăng số đầu phương tiện vận tải”, ông Đặng Việt Hà nói.
Lựa chọn là ở doanh nghiệp
Trên thực tế phải thừa nhận rằng, lượng xe tải đang được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam thời gian qua còn một nguyên nhân là do xe tải Trung Quốc rẻ hơn xe sản xuất, lắp ráp trong nước khoảng 5-15% tùy loại. Không những thế, xe Trung Quốc rất phong phú về chủng loại, mẫu mã đẹp. Chi phí thấp giúp khấu hao nhanh, qua đó tăng khả năng cạnh tranh về cước phí vận tải.
Theo Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, thuế nhập khẩu ô tô tải nguyên chiếc thấp hơn nhiều so với thuế nhập khẩu linh kiện. Cụ thể, trong khi chi phí lắp ráp và thuế nhập khẩu đối với linh kiện xe tải của các doanh nghiệp trong nước ở mức 24%, thì thuế nhập khẩu một số chủng loại ôtô tải nguyên chiếc (từ 20 tấn trở lên) chỉ còn 10-20%, thậm chí ô tô tải nguyên chiếc trên 45 tấn chỉ còn 0%.
Thậm chí, một số doanh nghiệp còn cho rằng, thủ tục đăng kiểm với xe nhập khẩu còn đơn giản hơn xe sản xuất trong nước. Chính vì thế, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang nhập xe tải nguyên chiếc thay vì nhập khẩu linh kiện để lắp ráp.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Đăng kiểm khẳng định, không phải do phương thức kiểm tra, chứng nhận của cơ quan kiểm tra dẫn đến tăng số lượng xe nhập khẩu. Mà do chính sách thuế đối với loại ô tô bán tải và ô tô tải VAN (một loại xe tải nhỏ, khoang chở người và chở hàng chung một không gian) có nhiều ưu đãi như thuế nhập khẩu, thuế trước bạ thấp và không có thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đặc biệt, theo nội dung Hiệp định Thương mại hàng hóa giữa ASEAN-Trung Quốc, kể từ 1/1/2015, thuế suất của ô tô đầu kéo, sơ mi rơ moóc nhập khẩu từ Trung Quốc giảm về 0% cũng được cho là nguyên dẫn đến tăng vọt số lượng loại xe này.
Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, lựa chọn xe nhập khẩu hay xe sản xuất trong nước là quyết định của doanh nghiệp và tùy theo nhu cầu của thị trường.
Nguồn: chinhphu.vn