Theo một đại diện Bộ Công Thương, Bộ này đang khẩn trương tiến hành sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương (thay thế Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương).
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, Bộ sẽ thực hiện sắp xếp lại nhân sự theo tổ chức bộ máy mới, việc phân bổ nhân sự này sẽ hoàn thành trong đầu quý I/2017.
Theo phương án của Bộ Công Thương sẽ tái cơ cấu cho nhiệm kỳ 2016-2020, Bộ sẽ giảm từ 35 đầu mối xuống còn 28 đầu mối. Cụ thể, Tổng cục Năng lượng tách thành một cục và hai vụ; Vụ Thị trường thương mại miền núi nhập vào Vụ Thị trường trong nước; Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Công nghiệp nặng nhập thành Cục Công nghiệp; Vụ Tài chính tách một phần về Vụ Kế hoạch, một phần về Vụ Đổi mới phát triển doanh nghiệp.Vụ Phát triển nguồn nhân lực (trước kia tách ra từ Vụ Tổ chức cán bộ), sẽ nhập lại về Vụ tổ chức cán bộ; Vụ Thi đua khen thưởng và Cục Công tác phía nam (trước kia là Văn phòng đại diện Bộ Công Thương tại Tp.HCM) nhập về thuộc Văn phòng Bộ Công Thương.
Còn lại, các Vụ KV1, KV2, KV3, KV4 nhập lại thành hai Vụ châu Âu, Mỹ và Á Phi; Vụ Hợp tác Quốc tế nhập về hai Vụ Á, Phi và Âu Mỹ; Hai viện nghiên cứu (Thương mại và Chính sách công nghiệp) nhập thành một viện.
Bộ Công Thương cũng tính đổi tên hàng loạt cục khác. Chẳng hạn, Cục Điều tiết điện lực đổi tên thành Cơ quan Điều tiết điện lực quốc gia. Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đổi tên từ Cục Quản lý cạnh tranh, chuyển nhiệm vụ về phòng vệ thương mại cho Cục dự kiến thành lập mới là Cục Phòng vệ thương mại. Cục Công nghiệp địa phương đổi tên thành Cục Khuyến công.Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đổi tên từ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin bổ sung nhiệm vụ cho phù hợp với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 về thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và ứng dụng cách mạng công nghiệp lần thứ 4…
Bên cạnh việc sáp nhập, giảm số lượng và đổi tên các cục, vụ, viện…Bộ đồng thời thành lập thêm Cục Phòng vệ thương Mại cho phù hợp xu thế hội nhập. Nâng cấp thành lập Tổng cục Quản lý thị trường từ Cục Quản lý Thị trường còn lại giữ nguyên.
Trước đó, vào đầu tháng Chín năm nay, chỉ 1 ngày sau khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có ý kiến về việc sẽ sắp xếp, nhằm cơ cấu lại một số vị trí nhân sự chủ chốt, Bộ này cũng đã có một cuộc “tiểu phẫu” khi điều chỉnh công tác một số vị trí như: điều động và bổ nhiệm ông Trần Quang Huy giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ. Đồng thời, ông Huy thôi vị trí đương nhiệm – Vụ trưởng Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á. Dịp này, ông Trần Hữu Linh, nguyên Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và CNTT được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Bộ Công Thương; Ông Dương Duy Hưng từng là Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương được điều chuyển sang Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước và mới đây nhất được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Kế hoạch…
Chẳng phải vô tình mà tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ Công thương vào ngày 12-7 năm nay, khi đánh giá về công tác nhân sự của Bộ Công thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra rằng, công tác cán bộ tại Bộ còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt, gây ảnh hưởng tới uy tín của ngành. Người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu phải tái cơ cấu ngay chính Bộ Công Thương. Bởi trước khi tái cơ cấu, Bộ này đang sở hữu bộ máy “khổng lồ” lên tới hàng vạn người với 30 cục, vụ, 10 trường đại học, 22 trường cao đẳng, 11 tập đoàn, tổng Cty…
Nhìn một cách tổng thể, có thể thấy thông qua cuộc “đại phẫu” lần này, Bộ Công Thương đang muốn gửi đi thông điệp về một quyết tâm của mình trong việc làm trong sạch bộ máy nhân sự, điều chuyển các vị trí phù hợp với khả năng của từng cá nhân.
Với cá nhân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ông đang khẳng định quyết tâm cải tổ mạnh mẽ, mang lại niềm tin cho xã hội của một Bộ chiếm khoảng hơn 2/3 tổng thu ngân sách mỗi năm mà nó ít nhiều bị mất uy tín trong thời gian qua. Đồng thời, ông cũng đang khẳng định là một Bộ trưởng hành động, quyết liệt với yếu kém sẵn sàng loại bỏ cán bộ thiếu tâm, thiếu tầm và muốn đưa Bộ Công Thương trở thành một trong những đơn vị có bộ máy nhân sự được làm một cách bài bản, công khai, qua đó sẽ vận hành một cách trơn tru, góp phần tạo nên một Chính phủ kiến tạo như mong mỏi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Hiện dư luận đang rất quan tâm động thái được đánh giá là quyết liệt và chưa từng có tiền lệ của Bộ Công Thương và chờ đợi những sự thay đổi, những chuyển biến thực sự không chỉ ở Bộ máy nhân sự văn phòng Bộ, các cục, vụ, viện…mà còn ở cả các DN trực thuộc Bộ cũng đang có nhiều vấn đề mà “triều đại” của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng để lại.
Nguồn Enternews