EU đầu tư trên 23 tỷ USD vào Việt Nam
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 24 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đầu tư 1.809 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 23 tỷ USD, chiếm 8,7% về số dự án và 8% số vốn đăng ký của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Các nhà đầu tư EU tập trung vào 18/21 lĩnh vực của Việt Nam. 3 lĩnh vực được nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất bao gồm: Công nghiệp chế biến chế tạo; kinh doanh bất động sản và phân phối điện nước. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có sức hút lớn nhất - doanh nghiệp (DN) EU đã đầu tư vào Việt Nam trên 8 tỷ USD, chiếm 34,7% về số vốn đăng ký; lĩnh vực kinh doanh bất động sản thu hút được 3,85 tỷ USD, chiếm 16,7%; lĩnh vực phân phối điện nước đứng thứ ba với 3,58 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư của các DN EU tại Việt Nam.
Trong tổng số 24 quốc gia EU đầu tư vào Việt Nam, 5 quốc gia đầu tư lớn nhất, bao gồm: Hà Lan, Vương quốc Anh, Pháp, Luxembourg và Cộng hòa Liên bang Đức - chiếm tới 84,3% tổng vốn FDI của EU tại Việt Nam. Trong đó, Hà Lan đứng đầu với 8 tỷ USD, chiếm 34,9%; Vương quốc Anh đứng thứ hai với 4,8 tỷ USD, chiếm 20,7%; Pháp đứng thứ ba với 3,4 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn EU đầu tư tại Việt Nam.
Chủ động tạo lợi thế
Mặc dù cho đến nay, DN EU đã có mặt tại 51/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, song mới tập trung chủ yếu ở những trung tâm kinh tế lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, đầu tư của EU tại Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng của DN, cũng như khả năng thu hút FDI của nền kinh tế Việt Nam.
Do đó, để thu hút mạnh mẽ FDI từ EU vào Việt Nam, thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài, hướng vào lĩnh vực DN EU có tiềm năng như ngành dịch vụ chất lượng cao, trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại, phát triển các ngành công nghiệp điện tử, tin học. Đặc biệt, cần hình thành khu công nghiệp, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp... nhằm hấp dẫn hơn DN EU. Bên cạnh đó, mỗi địa phương nên có biện pháp xúc tiến đầu tư tại chỗ; tháo gỡ vướng mắc để DN EU đang đầu tư tại Việt Nam hoạt động hiệu quả. Đây cũng là cách quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư đến với DN EU khác đang có ý định đầu tư vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết, nhiều DN EU đang muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, song một điều bất lợi là họ chưa có nhiều thông tin về môi trường đầu tư, các thay đổi trong chính sách thu hút và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua. Vì vậy, Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam cần có kế hoạch xúc tiến đầu tư bài bản, làm sao để DN EU thấy được thay đổi vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua, đồng thời tìm thấy cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU: Doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam. Vì vậy, cơ hội thu hút đầu tư từ EU đang rất lớn. |
Theo Báo Công Thương điện tử