Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Nguyễn Văn Sưa cho biết: 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu 7,5 triệu tấn thép, bao gồm cả thép nguyên liệu lẫn thép bán thành phẩm và thành phẩm, tăng 48% so với năm ngoái. Trong cơ cấu các loại thép nhập khẩu, thì phôi thép không hợp kim và thép thành phẩm chiếm đến hơn 90% về lượng nhập khẩu cũng như trị giá nhập khẩu.
Thực tế này cho thấy, bất chấp mức thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép là 23,3% và thép dài là 14,2% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung áp dụng từ ngày 22.3 vừa qua, lượng phôi thép và thép thành phẩm vẫn tiếp tục được nhập vào thị trường trong nước với khối lượng lớn.
Nguyên nhân do nhu cầu của ngành công nghiệp thép phải nhập những loại thép bán thành phẩm, trong đó có loại thép cuộn cán nóng Việt Nam chưa sản xuất được. Trong khi lượng thép cuộn cán nóng làm nguyên liệu cho các loại sản phẩm thép dẹt lại chiếm trên 50% tổng nhu cầu thép của cả nước, do đó hàng năm phải nhập khẩu khoảng 8-9 triệu tấn.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, khi nhu cầu trong nước giảm, lượng thép nhập khẩu lại tăng mạnh như thời gian qua, sẽ gây áp lực không nhỏ cho các nhà sản xuất trong nước. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội tốt cho các nhà sản xuất thép nói chung và các nhà sản xuất phôi thép nói riêng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm thép của mình. Bởi vì, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc áp dụng biện pháp tự vệ phòng vệ thương mại là cần thiết. Tuy nhiên, biện pháp này cũng chỉ là biện pháp tạm thời để tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước có điều kiện nâng cao trình độ công nghệ, tăng cường khả năng quản lý cũng như xây dựng thương hiệu. Cho nên, quan trọng nhất là các doanh nghiệp sản xuất trong nước làm sao phải nâng cao được tính cạnh tranh của sản phẩm của mình./.
Theo Chung Thủy/VOV