Doanh nghiệp thép nội gặp khó
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, hiện nay, các mặt hàng tôn, thép trên thị trường Việt Nam được nhập khẩu từ nước ngoài đang gia tăng mạnh mẽ về sản lượng với tổng lượng thép nhập khẩu từ nước ngoài 8 tháng năm 2015 đã đạt gần 13 triệu tấn, ước tính giá trị gần 6,4 tỷ USD, tăng 37,2% về lượng nhưng chỉ tăng 11% về giá trị. Trong đó, lượng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao (khoảng 60%) và nhiều khả năng sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, sức mua kém từ lĩnh vực bất động sản và sản xuất khiến thị trường ảm đạm, do đó Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nguyên liệu và thành phẩm thép. Ngoài ra, thông qua số lượng và giá trị nhập khẩu phần nào cho thấy thép giá rẻ từ Trung Quốc đã vào Việt Nam với số lượng lớn hơn. Trong đó, việc đưa các nguyên tố Bo, Crôm… thép để lách luật, hưởng lợi từ chính sách thuế nhập khẩu vẫn tiếp diễn. Điều này đang khiến cho thị trường trong nước trở nên “nghẹt thở” hơn.
Theo ông Trần Ngọc Chu, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, các mặt hàng tôn thép được nhập từ Trung Quốc với chất lượng thấp, giá rẻ, các thông tin về nhà sản xuất, quy cách, tiêu chuẩn hàng hóa không được thể hiện hoặc thể hiện không rõ ràng, đầy đủ trên sản phẩm đã tạo điều kiện cho việc bán hàng gian lận đến tay người tiêu dùng, làm giả làm nhái các sản phẩm uy tín đang bán trên thị trường.
Trong khi đó, Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN về quản lý chất lượng thép nhập khẩu vẫn chưa có hiệu quả, chấp nhận quá nhiều tiêu chuẩn đối với thép nhập khẩu, bao gồm cả tiêu chuẩn cơ sở, dẫn đến tình trạng thép nhập khẩu không được quản lý chặt chẽ.
Riêng sản phẩm tôn, số liệu tổng hợp của Tập đoàn Hoa Sen cho hay, năm 2014, Việt Nam nhập khẩu các sản phẩm tôn kẽm, tôn lạnh, tôn màu với tổng cộng hơn 936.000 tấn, tăng 379% so với năm 2012 và chỉ trong 7 tháng qua, Việt Nam đã nhập hơn 1,06 triệu tấn tôn, tăng 836% so với 7 tháng năm 2012.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trong số hơn 1 triệu tấn tôn nhập khẩu của 7 tháng năm 2015, thì có tới hơn 990.000 tấn tôn từ Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam, chiếm 93% và đã tăng 1.312% so với năm 2012.
Ông Trần Ngọc Chu cho hay, những mặt hàng này vào Việt Nam ngày càng nhiều, được bán với giá ngày càng rẻ, đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước. Tôn thép giá rẻ hiện đang chiếm thị phần của các doanh nghiệp nội khiến nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng hoặc tính chuyện ngừng sản xuất.
Từ đầu năm 2015, hàng tồn kho Công ty Tôn Đại Thiên Lộc đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2014 thêm 21.000 tấn. Trong khi hàng tồn kho phình ra, doanh thu công ty lại co lại bởi doanh thu Quý III/2015 chỉ còn 1.200 tỷ đồng, giảm từ mức 1.800 tỷ cùng kỳ. Theo đó, thị phần cũng giảm từ 7% xuống còn 4%. Trước tình hình như vậy, hiện công ty này chỉ còn cách sản xuất cầm chừng.
Không chỉ DN vừa và nhỏ, những DN lớn có thị phần hàng đầu trong thị trường nội địa cũng bị tổn thất nhiều trước sự đổ bộ của tôn thép giá rẻ từ Trung Quốc.
Công ty Tôn Phương Nam là doanh nghiệp lớn thứ hai thị trường cũng mới khai trương nhà máy cán tôn có vốn đầu tư 20 triệu USD nhưng hiện tại, nhà máy triệu USD này chỉ còn hoạt động chưa đầy 50% công suất.
Do đó, nếu việc ngăn chặn sản phẩm tôn mạ nhập khẩu từ các nước tràn vào Việt Nam là vấn đề khẩn cấp thì việc ngăn chặn sản phẩm tôn mạ giá rẻ từ Trung Quốc cũng là vấn đề sống còn đối với ngành sản xuất trong nước.
Cần khởi kiện chống bán phá giá đối với tôn thép nhập khẩu từ Trung Quốc
Ông Trần Ngọc Chu cho rằng, Việt Nam cần xem xét việc khởi xướng kiện điều tra tự vệ thương mại đối với sản phẩm tôn mạ nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam; trong đó khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Đối với Thông tư 44, theo Tổng giám đốc của Tập đoàn Hoa Sen, tôn thép Việt Nam khi xuất khẩu phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, kiểm định của các quốc gia như SIRIM của Malaysia, SNI của Indonesia... Vì vậy, để bảo vệ người tiêu dùng và sản xuất trong nước, Việt Nam cũng cần xây dựng một hệ thống áp dụng bộ Tiêu chuẩn Quốc gia để đảm bảo sự hiệu quả trong việc quản lý chất lượng thép nhập khẩu từ tất cả các nguồn nhập khẩu tương tự như Malaysia, Indonesia đang áp dụng.
Cùng quan điểm này, Hiệp hội Thép Việt Nam cùng nhóm các doanh nghiệp tôn thép như Bluescope, China Steel Sumikin, Tôn Phương Nam, Tôn Đông Á... cho hay, dựa trên quy trình thiết lập hàng rào kỹ thuật của Indonesia và Malaysia, cần có các bước cụ thể để kiểm tra một sản phẩm tôn mạ đạt chuẩn được phép nhập khẩu vào Việt Nam như các bảng liệt kê, kiểm tra thực tế nhà máy, kiểm tra chất lượng sản phẩm: xuất xứ, nhãn hiệu, chứng nhận và đặc tính kỹ thuật...
Trước những thiệt hại nặng nề này, Hiệp hội Thép Việt Nam đã đề xuất việc kiện chống bán phá giá đối với tôn thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, dù muốn làm sớm nhưng các quy trình phức tạp đang khiến Hiệp hội chưa thể chính thức đệ đơn kiện.
Theo VLXD.org