Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong những tháng qua, ngành thép tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt là ngành thép phải đối mặt với nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu khiến xuất khẩu thép gặp nhiều khó khăn.
Liên tiếp bị kiện
Trong đó, các thị trường quen thuộc trong ASEAN như Thái Lan, Malaysia cũng đã khởi xướng các vụ kiện điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt thép có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đang là thực trạng đáng lo ngại đối với ngành thép Việt Nam.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong số 78 vụ kiến chống bán phá giá Việt Nam gặp phải trong hai năm gần đây có tới 37 vụ liên quan đến sắt thép, chiếm khoảng 50% loại hàng hóa bị kiện. Chỉ riêng từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 8/2018 đã có 8 vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước với mặt hàng thép Việt Nam.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại nổi lên rầm rộ, ngành thép có thể bị nhiều thị trường khởi xướng kiện phòng vệ thương mại. Những vụ kiện này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng xuất khẩu của thép Việt Nam.
Hơn nữa, Trung Quốc hiện đang tái cấu trúc ngành công nghiệp thép – cắt giảm sản lượng sản xuất thép, đóng cửa cơ sở nhỏ lẻ, lạc hậu và không đảm bảo môi trường. Vì vậy, doanh nghiệp (DN) thép Trung Quốc đang có chiều hướng đầu tư sang nước ngoài, đặc biệt là các nước Đông Nam Á như Indonesia, Việt Nam.
Do vậy, để đối phó với thép ngoại, mới đây, Bộ Công Thương tiếp tục giữ nguyên việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép chữ H và thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc để bảo vệ ngành thép trong nước.
Theo đó, 4 công ty sản xuất thép chữ H của Trung Quốc cùng 10 công ty thương mại phải chịu mức thuế 20,48-22,09%, trong khi các công ty sản xuất, xuất khẩu khác chịu thuế ở mức 29,17%.
Với sản phẩm thép mạ, các DN xuất khẩu thép mạ của Trung Quốc lần lượt bị áp thuế ở mức 3,17-38,34%; các DN Hàn Quốc có mức thuế thấp hơn 7,02-19%.
Cùng việc hỗ trợ DN trong các vụ việc điều tra, Bộ Công Thương khuyến cáo DN ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước.
Đồng thời, nỗ lực khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước nhằm giảm đến mức thấp nhất việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.
Ở thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng cho biết, thị trường thép xây dựng nội địa tháng 10 trầm lắng, tình hình thời tiết không thuận lợi như triều cường, mưa nhiều tại một số khu vực đã ảnh hưởng tới việc tiêu thụ thép tại thị trường xây dựng dân dụng; tiêu thụ thép tại khu vực công trình cũng chậm do phần lớn các công trình đang vào giai đoạn hoàn thiện, ít dự án mới khởi công.
Sức tiêu thụ chậm nên phần lớn nhà sản xuất phía Bắc áp dụng các chương trình chiết khấu sản lượng để khuyến khích tiêu thụ. Do vậy, giá trên thị trường phía Bắc giảm phổ biến khoảng 100.000 – 150.000 đồng/ tấn so với tháng trước tùy theo chủng loại sản phẩm. Trong khi đó, giá tại thị trường phía Nam tương đối ổn định, nguồn cung đảm bảo.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VSA, đánh giá với thị trường nội địa, sản xuất, bán hàng thép vẫn có mức tăng trưởng cao và dự kiến sẽ tiếp tục giữ được đà tăng về cuối năm.
"Mặc dù tháng 10 mưa nhiều, ảnh hưởng tới việc xây dựng các công trình, song tiêu thụ thép trong nước vẫn tăng mạnh. Điều này chứng tỏ sản phẩm thép Việt đã có sức cạnh tranh rất tốt ở thị trường nội địa", ông Sưa nhấn mạnh.
Về giải pháp trong thời gian tới, ông Sưa cho rằng DN cần phải phân tích nhu cầu thị trường để lựa chọn phương án đầu tư. Trước hết, DN phải lựa chọn thép có đối tượng sử dụng nhiều.
Ví dụ, thép xây dựng, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hàng chục tấn…, còn với thép cao cấp, theo ước tính của VSA, hiện nay cũng vào khoảng 1 – 1,5 triệu tấn/năm.
Nguồn Thời báo kinh doanh