Kể từ năm 2009, một loạt thương hiệu điện thoại thông minh (smartphone) thương hiệu Việt lần lượt xuất hiện trên thị trường trong nước. Ban đầu có thương hiệu Việt Mobiistar, tiếp sau là các sản phẩm của Q-Mobile; Vivas Lotus của VNPT, rồi Viettel... đều tập trung vào phân khúc giá rẻ và trung bình; thời điểm sau này, Mobiistar có thêm dòng cao cấp dành cho khách hàng trẻ.
Thế nhưng, sau khi ra mắt một thời gian không dài, các sản phẩm smartphone này lại rơi vào quên lãng. Tất nhiên, hai nhà sản xuất VNPT, Viettel vốn có lượng khách hàng lớn nên có lợi thế khi thực hiện chính sách bán máy kèm gói cước, nhưng sản phẩm cũng chỉ ở mức ít phổ biến.
Tuy vậy, điện thoại thương hiệu Việt vẫn có một điểm sáng khi giữa năm 2017, Mobiistar chuyển hướng kinh doanh tại thị trường Ấn Độ, hiện đã ra mắt 9 mẫu điện thoại, đạt tăng trưởng 20%/tháng và đặt kỳ vọng lọt tốp 5 thương hiệu lớn tại thị trường điện thoại nước bạn.
Phải đến năm 2016, khi BKAV ra mắt các sản phẩm Bphone 1, sau là Bphone 2 (năm 2017) và Bphone 3 (năm 2018); Vingroup ra mắt các dòng điện thoại Vsmart vào tháng 12-2018 mới cho thấy thực tế sôi động của làng công nghệ trong nước.
Trong đó, với Bphone, cho dù 2 lần ra mắt Bphone 1 và 2 không thành công, vì giá thành chưa tiệm cận với phần lớn thu nhập của người dùng, thì đến sản phẩm Bphone 3 đã giải quyết được những hạn chế của hai lần trước. Do vậy, chỉ sau 1 tháng mở bán, Bphone 3 đã tiêu thụ được gần 10.000 chiếc, thậm chí có thời điểm nhu cầu đặt hàng lớn hơn so với nguồn cung.
Đặc biệt, khi Vingroup ra mắt 4 dòng điện thoại Vsmart gồm: Joy1, Joy1+, Active1, Active1+ có giá 2,5-6,3 triệu đồng/sản phẩm thì thị trường smartphone thương hiệu Việt trong nước đã thực sự "nóng" hơn. Đến thời điểm này chưa có thông tin về số lượng tiêu thụ sản phẩm, song được biết, Vsmart luôn trong tình trạng cầu nhiều hơn cung!
Vậy đâu là lý do dù Bphone, Vsmart gia nhập thị trường muộn hơn, thậm chí Bphone từng gặp thất bại của hai lần ra mắt trước đó, nhưng đến nay lại tạo dấu ấn trên thị trường? Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực, ông đánh giá cao Vsmart đã đầu tư mạnh về sản xuất. Cụ thể, Tập đoàn Vingroup đã chú trọng đầu tư vào quy trình và dây chuyền sản xuất để mỗi công đoạn đều có kiểm tra chất lượng.
Về Bphone của BKAV, ông Mai Liêm Trực việc các kỹ sư công nghệ của doanh nghiệp này đã tâm huyết dành thời gian đầu tư cho nghiên cứu, thiết kế sản phẩm là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, không thể không nhắc đến việc cả hai nhà sản xuất BKAV và Vingroup có những định hướng và đầu tư cho khâu phân phối sản phẩm. Trong đó, BKAV chọn hướng tự phân phối từ hệ thống 300 cửa hàng của mình tại các thành phố lớn và online, thay vì trước đây phân phối qua hệ thống bán lẻ không đạt hiệu quả.
Gần đây nhất, BKAV hợp tác với MobiFone để đưa ra chính sách ưu đãi mua máy kèm gói cước, trong đó nếu khách hàng đã dùng Bphone 2 có thể đến đổi lấy máy Bphone 3 và dùng gói cước của MobiFone thì chỉ phải trả duy nhất 1.000 đồng. Được biết, sau chưa đến 1 tuần, đã có 600 khách hàng trong cả nước dùng gói cước kèm máy này của MobiFone và BKAV.
Còn Vsmart có kênh phân phối rộng khắp cả nước với hơn 5.000 cửa hàng, trong đó, Vingroup đã liên kết với chuỗi 3.000 cửa hàng thuộc các chuỗi cửa hàng điện thoại di động lớn như Thế giới di động, FPTshop, Viễn thông A, Viettel Store, VinPro, Nguyễn Kim… và hơn 1.500 cửa hàng tự doanh và hệ thống các kênh bán hàng trực tuyến Adayroi.com...
Để các thương hiệu điện thoại Việt tiếp tục tồn tại và phát triển, cạnh tranh với các thương hiệu lớn toàn cầu, bên cạnh sự nỗ lực của chính các nhà sản xuất này rất cần sự hỗ trợ tạo điều kiện về cơ chế, chính sách. Về vấn đề này, ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc BKAV đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Chính phủ hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp công nghệ vay vốn tín dụng của các ngân hàng.
Đây sẽ là động lực giúp các doanh nghiệp phát triển sản phẩm có chất lượng, để làm chủ việc sản xuất smartphone mang tính cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài.
Theo Hanoimoi.com.vn