Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TP.HCM, cho biết: “Hiện các DN tham gia chương trình đã xây dựng xong kế hoạch chi tiết cho từng mặt hàng cụ thể về số lượng, giá cả, ngày giờ cung ứng, mức khuyến mãi, địa điểm phân phối, phương án vận chuyển, giải pháp điều tiết hàng hóa đề phòng trường hợp xảy ra tình trạng khan hiếm hoặc giá cả đột biến cục bộ… Dự kiến giữa tháng 10 này, Sở Công thương sẽ hoàn thiện báo cáo để trình UBND TP.HCM phê duyệt và triển khai thực hiện”.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TP.HCM
Hiện chưa thể công bố con số thống kê chi tiết, nhưng theo ông Phương, khi tham gia chương trình, các DN bình ổn luôn chuẩn bị nguồn hàng cao hơn cùng kỳ năm trước từ 20-50% và hiện đang ở tư thế sẵn sàng để phục vụ thị trường Tết Bính Thân. Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thịt heo, trứng và thịt gia cầm, rau củ quả, dầu ăn, đường, thủy hải sản… sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng (NTD).
Thành phố không để thiếu hụt hay khan hiếm hàng hóa. Nếu có chỉ là sự thiếu hụt cục bộ tại những địa bàn có ít cửa hàng phân phối, ít chợ. Nhưng nhờ thiết lập được kênh kiểm soát thông tin chặt chẽ giữa các sở ban ngành với từng địa phương, ban quản lý (BQL) các chợ; hệ thống phân phối rộng khắp, năng lực phản ứng của các DN nhanh hơn… nên chỉ cần có dấu hiệu khan hàng, tăng giá đột biến là hàng sẽ được đẩy về để ổn định thị trường ngay trong ngày.
Thời gian tới, Sở Công thương sẽ làm việc với các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, tiểu thương tại các chợ truyền thống, phối hợp đồng bộ với các DN bình ổn để đảm bảo việc lưu thông hàng hóa thông suốt. Ngoài lượng hàng bình ổn, hệ thống siêu thị, chợ cũng phải chuẩn bị nguồn hàng khác để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của người dân.
Để đảm bảo được mục tiêu bình ổn thị trường, các DN tham gia chương trình phải chuẩn bị sẵn sàng nguồn nguyên liệu, tổ chức sản xuất và dự trữ tốt, kênh phân phối tốt. Vì vậy, ngay từ tháng 4/2015, các DN đã lên kế hoạch đầy đủ về giá thành hàng hóa: chi phí nguyên liệu, chi phí lao động, chi phí nhiên liệu… để đăng ký số lượng, giá bán bình ổn.
Căn cứ trên hệ thống báo giá riêng của Sở Tài chính, Cục Thống kê, hệ thống báo giá của phòng kinh tế từ các chợ gửi về Sở Công thương; Sở Tài chính và các sở ngành liên quan sẽ thẩm định và thông qua giá bán đăng ký cho DN, đảm bảo thấp hơn giá thị trường từ 5-10%. Khi DN muốn tăng giá phải có báo cáo và giải trình được mức tăng là hợp lý do chi phí lao động tăng hay chi phí đầu vào tăng và phải được chấp thuận bằng văn bản.
“Chúng tôi khẳng định chương trình luôn kiểm soát chặt chẽ giá bán của các mặt hàng bình ổn, không có chuyện DN kê khai giá lên cao hơn giá thị trường, lợi dụng chương trình để trục lợi”, ông Phương khẳng định.
Nhờ nguồn cung hàng hóa tốt, giá của chương trình là giá có vai trò dẫn dắt, điều phối giá cả của toàn thị trường nên hai năm trở lại đây không còn xảy ra hiện tượng biến động giá, sốt giá, sốt hàng khiến NTD phải xếp hàng vào siêu thị để mua đường, mua gạo… như những năm trước.
Và dù NTD không trực tiếp vào các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng để mua hàng bình ổn thị trường thì họ cũng được hưởng lợi trực tiếp nhờ giá cả toàn thị trường ổn định.
Trong chương trình có một số mặt hàng bình ổn nhưng vẫn có giá bán cao hơn mặt bằng chung tại các chợ truyền thống như thịt heo, thịt và trứng gia cầm… Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ Nghệ Súc sản Việt Nam (Vissan), cho rằng: “Việc so sánh giá phải dựa trên cùng chủng loại hàng hóa, cùng tiêu chuẩn chất lượng. Vissan là một đơn vị giết mổ công nghiệp, chất lượng đầu vào được kiểm soát chặt chẽ, được kiểm dịch thú y và thử chất cấm trên từng xe heo một, sản phẩm ra thị trường được bảo quản trong tủ mát… do đó chi phí, giá thành sẽ cao hơn so với thịt heo được giết mổ thủ công và bày bán ở chợ”.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan
Nhưng “Vissan đảm bảo NTD được sử dụng thịt heo và các sản phẩm chế biến từ thịt heo hoàn toàn sạch, không chất cấm, không tồn dư thuốc kháng sinh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn sức khỏe”, ông Mười khẳng định.
Hiện các trại chăn nuôi của Vissan mới chỉ đảm bảo được 20% nhu cầu sản xuất, để tuân thủ nguyên tắc của chương trình là tạo sự ổn định cho giá cả hàng hóa, theo ông Mười, Vissan đang cố gắng tổ chức nhiều trại chăn nuôi liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, đảm bảo chủ động được nguồn nguyên liệu sạch và hạ giá thành sản phẩm ở mức hợp lý nhất chứ chưa phải là thấp nhất.
Theo ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân (một đơn vị gắn bó với chương trình bình ổn giá thị trường trong nhiều năm qua), “bên cạnh việc liên kết với bà con nông dân để xây dựng một số trang trại chăn nuôi gà thịt, trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao của Ba Huân đã tăng tổng đàn lên gần 1 triệu con, trên 700 ngàn con gà đẻ trứng, thì một số DN khác cũng đã có sự chuẩn bị rất tốt nên nguồn cung trứng và thịt gia cầm Tết năm nay sẽ đảm bảo đầy đủ, giá cả ổn định”.
Hiện Ba Huân chiếm lĩnh khoảng 25% thị trường trứng gia cầm, có vai trò chi phối và dẫn dắt về giá thị trường trứng gia cầm. Ngoài nguồn hàng đăng ký với chương trình bình ổn giá, Ba Huân có một lượng hàng dự trữ phòng khi thị trường có sự biến động, đơn vị này sẽ tung hàng ra để ổn định thị trường.
Trong chương trình bình ổn thị trường năm nay, đặc biệt có sự tham gia của khoảng 10 ngân hàng thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tiếp cận được nguồn vốn trung và dài hạn cho việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa cũng như dự trữ hàng hóa thuận lợi hơn.
Theo La Giang/Nguoitieudung.com.vn