Chất lượng tốt, giá phải chăng
Hội chợ phục vụ Tết 2017 vừa diễn ra tại Khu đô thị Quốc Oai (Hà Nội) đã thu hút rất đông người tiêu dùng. Với 120 gian hàng tham gia, tại đây, các doanh nghiệp (DN) mang đến nhiều sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như: Thực phẩm chế biến, đồ uống, bánh mứt kẹo, hóa mỹ phẩm, sản phẩm dệt may, đồ gia dụng, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm đặc sản vùng miền… bảo đảm chất lượng, cùng nhiều chương trình khuyến mãi. Tổ chức đúng vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, hội chợ đã thu hút rất nhiều người dân đến mua sắm hàng hóa. Chị Nguyễn Thị Ngà (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) cho biết, chị rất hào hứng đến hội chợ Tết vì bình thường, chị không có thời gian đi các siêu thị khu vực nội thành mua sắm. Các khu chợ truyền thống lại rất đông khách và thường “hét” giá những dịp cuối năm nên các phiên chợ Tết với hàng hóa đa dạng, giá phải chăng là dịp để mua sắm hàng hóa đầy đủ phục vụ Tết.
Dịp cận Tết, nhiều hội chợ hàng Việt tại các vùng nông thôn liên tục được mở ra. Điểm chung của các hội chợ là hàng hóa được bày bán rất đa dạng, phong phú. Nếu như trước đây, hàng hóa của Trung Quốc với thế mạnh là mẫu mã đẹp, giá rẻ rất thịnh hành thì vài năm trở lại đây, hàng Trung Quốc gần như vắng bóng ở các vùng nông thôn, thay vào đó là hàng hóa Việt.
Chủng loại hàng hóa chiếm tỷ lệ lớn nhất trong mỗi dịp Tết là các mặt hàng tiêu dùng như xà phòng, dầu gội đầu, nước rửa bát hay bánh kẹo, rượu bia… với sức mua rất tốt. Kế đến là mặt hàng quần áo với các sản phẩm được gia công, sản xuất trong nước, giá tương đối “mềm”, chỉ dao động trong khoảng từ 100.000 - 300.000 đồng/sản phẩm cũng thu hút người tiêu dùng. Với giá phải chăng, chất lượng tốt, hầu hết các mặt hàng đều rất đắt hàng.
Tận dụng cơ hội
Theo Bộ Công Thương, nông thôn là khu vực thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt với các mặt hàng tiêu dùng nhanh bởi thu nhập của người dân và sức mua nhiều năm gần đây đã tăng lên nhanh chóng. Thực tế từ những phiên chợ tiêu dùng hàng Việt ở các vùng nông thôn cho thấy, sức mua ở đây khá tốt. Hiện, khu vực này đang chiếm tới 70% dân số cả nước, hơn 50% tổng GDP. Việt Nam có hơn 9.000 chợ và khoảng 700.000 cửa hàng, lượng hàng hóa tiêu thụ qua 2 kênh phân phối này vẫn chiếm khoảng 80% tổng lượng hàng hóa tiêu thụ.
Tuy nhiên, do địa bàn phân tán, sức mua không đều, đường sá khó khăn, việc mang hàng về nông thôn hiện nay vẫn còn mang tính chất mùa vụ. Hàng hóa mới chỉ được đưa về nhiều thông qua các phiên chợ, hội chợ, chuyến đưa hàng về nông thôn vào thời điểm đầu hè hoặc cận Tết. Những thời điểm khác, người dân muốn mua hàng Việt chính hãng không hề đơn giản.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về thị trường, để đưa hàng về nông thôn, bên cạnh việc hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá phải chăng, đa dạng, phong phú, DN phải đặc biệt chú ý đến yếu tố tiện lợi. Bên cạnh sự hỗ trợ của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, khi tiếp cận người tiêu dùng ở nông thôn, DN được khuyến cáo cần mang đến những sản phẩm chất lượng tốt, tránh tình trạng hàng hóa đã đến được nông thôn nhưng không thể giữ được thị phần.
Thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, DN đang được hỗ trợ đưa hàng vào các Điểm bán hàng Việt Nam đặt tại các địa phương khu vực nông thôn. Đây là cơ hội tốt cho DN đưa hàng hóa chiếm lĩnh thị trường nông thôn không chỉ trong dịp Tết. |
Nguồn Báo Công Thương