Các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học California, Berkeley, Mỹ, phát triển một thiết bị mới có thể thu hoạch nhiều lít nước từ không khí mỗi ngày bằng cách sử dụng năng lượng ánh sáng Mặt Trời. Nó hoạt động được ngay cả trong điều kiện môi trường có độ ẩm nhỏ khoảng 20%, ví dụ trên sa mạc hoặc những nơi khô hạn, theo Business Standard. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science hôm 13/4.
"Đây là một bước đột phá lớn và có tính lâu dài để thu hoạch nước trong không khí ở độ ẩm thấp. Hiện nay, không có cách nào khác để làm điều này ngoại trừ việc sử dụng thêm năng lượng. Máy hút ẩm chạy bằng điện trong nhà của bạn cũng tạo ra nước nhưng rất đắt", Omar Yaghi, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Thiết bị nguyên mẫu, trong điều kiện độ ẩm từ 20 - 30%, có thể sản xuất 2,8 lít nước từ không khí trong khoảng thời gian 12 giờ. Thiết bị sử dụng 1 kg khung kim loại hữu cơ (MOF), loại vật liệu đặc biệt được sản xuất ở Đại học California, Berkeley.
Các tinh thể MOF có kích thước bằng hạt bụi được nén giữa bộ phận thu năng lượng Mặt Trời và đĩa ngưng tụ nằm trong buồng chứa đầy không khí. Khi không khí khuếch tán qua vật liệu xốp MOF, các phân tử nước bị giữ lại ở phần bề mặt phía bên trong. Ánh sáng Mặt Trời chiếu xuyên qua một cửa sổ nhỏ, làm nóng MOF và đẩy nước đang mắc kẹt về phía đĩa ngưng tụ. Tại đây, hơi nước ngưng tụ thành dạng lỏng và chảy nhỏ giọt vào bình chứa.
"Trong tương lai, chúng ta sẽ có một thiết bị sản xuất lượng nước đủ cung cấp cho một gia đình nhờ sử dụng năng lượng Mặt Trời", Yaghi nói.
Theo Cnet, sự khan hiếm nước ngọt là vấn đề lớn quy mô toàn cầu hiện nay. Ước tính gần đây cho thấy khoảng 4 tỷ người, chiếm 2/3 dân số thế giới, trải qua tình trạng khan hiếm nước ít nhất một tháng trong năm. Nửa tỷ người không có đủ nước sử dụng quanh năm.
Nguồn Vnexpress.net