Nhiều bà nội trợ bức xúc trước việc mua thịt bò, giò bò… nhưng lúc ăn mới biết là thịt lợn. Có trường hợp nấu lên thịt trắng, mùi bò chỉ thoang thoảng, thịt mềm chứ không dai. Có trường hợp khi xào thịt miếng trắng, miếng đen mới biết thịt bò bị trộn lẫn với thịt lợn. Thậm chí, nhiều trường hợp ăn phở bò, phần nước thì có mùi bò, còn phần thịt, miếng có miếng không. Nhiều thương lái bị siêu lợi nhuận làm cho mờ mắt đã sử dụng hóa chất tẩm ướp không rõ nguồn gốc “hô biến’' thịt lợn sề chết hay thịt trâu chết thành thịt bò mà không hề quan tâm tới mức độ nguy hiểm cho người tiêu dùng khi sử dụng phải loại hóa chất đó.
Theo khảo sát của phóng viên tại một số chợ ở Hà Nội, khi được hỏi đây là thịt bò gì, người bán hàng đều khẳng định là thịt bò “xịn”. Tuy nhiên, khi đem miếng thịt bò được mua ngoài chợ về và thả vào nước, thấy có hiện tượng bất thường như mỡ nổi lềnh phềnh, bèo nhèo trên mặt nước. Màu thịt cũng biến đổi, không còn đỏ au mà trở nên nhợt nhạt thấy rõ. Thậm chí là màu nước cũng có sự thay đổi. Đó không phải là dấu hiệu cho thấy đây là một miếng thịt bò tươi ngon.
Việc sử dụng hóa chất để tẩm ướp, biến thịt lợn hoặc những loại thịt rẻ tiền hơn để bán cho người tiêu dùng với giá thịt bò “xịn” là một hành vi vì lợi nhuận trong kinh doanh, một hình thức gian lận thương mại. Đây cũng là một hành động coi thường sức khỏe của người tiêu dùng. Để hạn chế phần nào được tình trạng trên, theo các chuyên gia, một số cách giúp người tiêu dùng có thể nhận biết thịt bò thật – giả, đó là:
+ Quan sát thịt
- Thịt bò thật có màu hồng đậm hoặc đỏ au; trong khi đó thịt bò giả dù được tưới huyết bò vẫn nhạt màu hơn, không đều, không tự nhiên.
- Bắp bò có gân đặc trưng.
- Thớ thịt bò bé và dài, mỡ màu vàng nhạt; thịt lợn có thớ to và ngắn, nhìn không mịn, mỡ màu trắng đục.
- Thịt trâu giả thịt bò có màu đen sẫm, thớ thịt to và thô, phần mỡ có màu trắng.
- Khi mua thịt bò nên chọn cắt ra từ súc thịt lớn, không mua miếng thịt nhỏ vì rất có thể đó là thịt lợn trộn vào.
+ Sờ tận tay
- Ấn nhẹ tay lên miếng thịt, nếu là thịt bò thật, miếng thịt sẽ dẻo, khô, ít tính đàn hồi, thịt dính tay. Với thịt bò giả, ấn tay vào thấy mềm, bở, không có cảm giác thịt dính vào tay.
- Với thịt giả: Khi miết tay vào miếng thịt sẽ thấy có phẩm màu ở tay; thái miếng, phần thịt bên trong nhạt màu hơn so với phần thịt ở ngoài, thịt không dính vào dao và có nước rỉ ra.
- Những loại thịt giả thường có mùi tanh chứ không có mùi hôi nồng đặc trưng của thịt bò.
- Thịt bò thật có mùi hôi của bò, kể cả sau khi chế biến vẫn giữ nguyên màu sắc hồng sậm, vị ngọt và mùi thơm rất đặc trưng. Còn thịt giả sau khi nấu sẽ nhợt nhạt, nếu không may mua phải thịt lợn hay trâu đã chết lâu thì thậm chí còn có mùi tanh rất khó chịu.
Thịt bò giả vẫn hàng ngày được bày bán tràn lan tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh và đang thực sự trở thành vấn nạn đáng báo động. Chính vì vậy, hãy là những người tiêu dùng thông thái khi mua sắm, để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại trong kinh doanh, góp phần bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Hồng Trường