Thứ Năm, 21/11/2024 19:34:44 GMT+7
Lượt xem: 456

Tin đăng lúc 31-07-2024

Thọ Xuân: Phấn đấu trở thành trung tâm động lực quan trọng của tỉnh Thanh Hóa

Với mục tiêu, phấn đấu đưa huyện Thọ Xuân đạt huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao vào năm 2024 và trở thành thị xã trước năm 2030, một động lực quan trọng, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, Thọ Xuân đã và đang nỗ lực tập trung thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả. Phóng viên Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng đã có buổi trao đổi với ông Lý Đình Sĩ – Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân.
Thọ Xuân: Phấn đấu trở thành trung tâm động lực quan trọng của tỉnh Thanh Hóa
Ông Lý Đình Sĩ – Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân

PV: Để đưa Thọ Xuân trở thành trung tâm động lực quan trọng của tỉnh Thanh Hóa, vậy Thọ Xuân đã có hoạch định chiến lược, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) như thế nào, thưa ông? 

 

Hiện tại, toàn huyện Thọ Xuân được phân chia thành 3 vùng quản lý phát triển như sau: Phân vùng 1 Lam Sơn - Sao Vàng: Là trung tâm kinh tế động lực của huyện Thọ Xuân và của tỉnh với các chức năng phát triển chủ yếu là: Công nghiệp (CN), nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; dịch vụ hàng không; thương mại dịch vụ; logistics; dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí; bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh và các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể khác trong khu vực. Phân vùng 2 Đông hữu ngạn sông Chu: Là vùng sinh thái phía hữu ngạn sông Chu với các chức năng phát triển chủ yếu là: Dịch vụ - thương mại, CN vừa và nhỏ phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp năng suất, chất lượng với các sản phẩm thế mạnh là cây lương thực (lúa), cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. 

 

Phân vùng 3 Đông tả ngạn sông Chu là phân vùng sinh thái và văn hoá lịch sử phía tả ngạn sông Chu với các chức năng phát triển chủ yếu bao gồm: Nông nghiệp với các mô hình trang trại theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng cao, với các sản phẩm thế mạnh là cây CN, chăn nuôi đại gia súc và thủy sản; bảo tồn, phát huy giá trị các di tích văn hoá lịch sử, cùng với khai thác giá trị các vùng cảnh quan nông nghiệp đặc trưng để phát triển du lịch sinh thái. 

 

 PV: Vậy theo ông, Thọ Xuân hiện có tiềm năng, lợi thế gì?

 

Huyện Thọ Xuân nằm ở trung tâm vùng động lực phía Tây của tỉnh, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển KT-XH, như: Đất đai rộng lớn, màu mỡ; có Khu công nghiệp (KCN) Lam Sơn - Sao Vàng; Cảng Hàng không Thọ Xuân đã được quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế; nhiều di tích, danh thắng có tiềm năng để phát triển du lịch, có hệ thống giao thông thuận lợi với nhiều tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia, của tỉnh chạy qua, như: Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 47, 47B, 47C, đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi KKT Nghi Sơn, đường từ thành phố Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân... tạo kết nối thuận lợi giữa Thọ Xuân với các trung tâm kinh tế động lực của tỉnh, các địa phương trong nước, quốc tế. 

 

 

Lễ khởi công Dự án CCN Xuân Lai (Thọ Xuân)

 

Khu vực Lam Sơn - Sao Vàng đã được xác định là một trong 4 trung tâm kinh tế động lực của tỉnh; thời gian qua, được Trung ương, Tỉnh dành nguồn lực đầu tư một số công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH quan trọng, như: Cảng Hàng không Thọ Xuân, đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, đường từ thành phố Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân là điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành dịch vụ vận tải Logistics, giao thương thương mại trung chuyển giữa đồng bằng ven biển và miền núi Thanh Hóa; các KKT Lam Sơn - Sao Vàng, khu nông nghiệp công nghệ cao... tạo điều kiện cho huyện thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

 

PV: Những trụ cột kinh tế nhằm phát triển toàn diện, nhanh và bền vững là gì, thưa ông?

 

Tập trung phát triển khu vực Lam Sơn – Sao Vàng trở thành trung tâm kinh tế động lực của huyện Thọ Xuân và của tỉnh dựa trên 3 trụ cột CN, nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao và dịch vụ hàng không. Đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, các sản phẩm chủ lực. Trong đó, về sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm, như: Vùng trồng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao: Vùng rau an toàn, chất lượng cao; vùng trồng cây ăn quả có múi ứng dụng công nghệ cao.

 

Tiếp tục phát triển các sản phẩm đặc trưng của huyện trở thành sản phẩm OCOP; hướng tới sản phẩm có thương hiệu mạnh, tăng thị phần trong nước và xuất khẩu được ra nước ngoài. Huy động các nguồn lực để đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, KT-XH phát triển, hướng tới toàn huyện trở thành đô thị trực thuộc tỉnh.

 

PV: Việc thu hút đầu tư, tập trung các nguồn lực để thực hiện quy hoạch được triển khai như thế nào, thưa ông? 

 

Về CN, tiểu thủ CN - xây dựng: Cùng với hình thành và phát triển KCN Lam Sơn - Sao Vàng, tập trung đầu tư hạ tầng và thu hút các dự án CN đầu tư vào các CCN trên địa bàn huyện. Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản và các ngành CN phụ trợ cho KCN Lam Sơn - Sao Vàng. Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ CN, khôi phục các làng nghề truyền thống, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, đặc trưng của huyện gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; phát triển ngành xây dựng đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh đô thị hóa; tập trung phát triển các lĩnh vực thiết kế, xây dựng công trình, phát triển đô thị và nhà ở. Về dịch vụ, mở rộng các loại hình dịch vụ thương mại gắn với phát triển CN và đô thị. Phát triển mạnh hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối cấp vùng tại khu vực Lam Sơn - Sao Vàng. 

 

PV: Xin chân thành cảm ơn ông! 

 

Vân Trường


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang