Hiện Ngân hàng Nhà nước ủng hộ các nhà mạng triển khai dịch vụ này, nhưng cần những quy định rõ hơn về trách nhiệm của các bên để giám sát khi triển khai.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Mobile Money là cuộc cách mạng vô cùng lớn và mang lại rất nhiều lợi ích. Lúc này, người dân được gửi tiền vào nhà mạng dù không có tài khoản ngân hàng. Họ có thể dùng tiền này để gửi cho nhau hoặc để mua hàng hóa với giá trị nhỏ.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương với việc triển khai dịch vụ Mobile Money. Sau khi chủ trương này được cụ thể hóa bằng văn bản, các doanh nghiệp sẽ mang hồ sơ để Ngân hàng Nhà nước và Bộ TT-TT thẩm định và ký giấy phép làm thí điểm.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các nhà mạng viễn thông cần chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ cấp phép và các điều kiện cho việc triển khai dịch vụ mới. Khi dịch vụ Mobile Money được triển khai, chỉ sau 1 đêm, 100% người dân Việt Nam sẽ có thể thanh toán không dùng tiền mặt.
Điều này sẽ giúp thúc đẩy việc thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam. Bởi hiện tại, có đến 99% các giao dịch giá trị dưới 100.000 đồng được người dân thanh toán bằng tiền mặt. Đây cũng là các giao dịch phổ biến trong cuộc sống hàng ngày.
Theo các chuyên gia, tài khoản viễn thông di động ở Việt Nam hiện có vùng phủ xấp xỉ 100% dân số trong khi tài khoản ngân hàng chỉ có độ phủ 30%-40%. Vì vậy, nếu chúng ta sớm triển khai dịch vụ Mobile Money, các nhà mạng di động có thể triển khai ngay thanh toán điện tử trên phạm vi cả nước tương đối dễ dàng, nhanh chóng; tránh được nguy cơ các đối tác nước ngoài vào Việt Nam chiếm lĩnh thị trường dịch vụ này về sau.
Cho đến thời điểm này, cả nhà nhà mạng lớn là Viettel, VNPT và MobiFone đều đã chính thức đề xuất Chính phủ sớm có chính sách cho doanh nghiệp viễn thông tham gia vào thanh toán điện tử Mobile Money.
Với tỷ lệ người dân đều sở hữu điện thoại di động cao đến hơn 90% ở Việt Nam hiện nay, phát triển thanh toán qua di động có thể sẽ là một cú hích cho sự phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam.
Mobile Money là một giải pháp mới để hỗ trợ chuyển đổi số và là một trong những phần quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0.
Dịch vụ Mobile Money cung cấp các dịch vụ tài chính cho người dân không có tài khoản ngân hàng, người dân ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, người dân không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tài chính… thông qua điện thoại di động.
Mobile Money là công cụ thúc đẩy tài chính toàn diện, là công cụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với định hướng của Chính phủ. Với vùng phủ rộng của các thuê bao điện thoại di động, Mobile Money còn là công cụ hữu hiệu trong việc chuyển đổi số trong nền kinh tế số.
Trong cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gần đây, Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long một lần nữa đề xuất Chính phủ cho phép VNPT sớm triển khai dịch vụ MobiMoney.
Ông Phạm Đức Long cho rằng, MobiMoney là xu hướng triển khai chung của thế giới và VNPT đã sẵn sàng cho dịch vụ này về tất cả mọi mặt, từ hạ tầng đến tài chính. Với tình hình triển khai dịch vụ tài chính số hiện nay thì Mobi Money là một giải pháp mới để hỗ trợ chuyển đổi số và là một trong những cấu phần quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0 và nhà mạng sẽ chứng minh được vai trò quan trọng của mình khi triển khai dịch vụ này, mang lại những giá trị to lớn cho xã hội Việt Nam.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT-TT, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, cũng đã đề nghị Chính phủ cấp phép cho Viettel tham gia phát triển thanh toán số (gồm những dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, xây dựng hạ tầng chấp nhận thanh toán dùng chung, dịch vụ sử dụng tài khoản viễn thông trong thanh toán điện tử giá trị nhỏ).
Theo ông Lê Đăng Dũng, thanh toán điện tử hiện nay tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thanh toán bán lẻ của người dân khu vực thành thị, còn đối với khu vực nông thôn thì hầu như chưa có gì.
Phương án sử dụng tài khoản thuê bao di động ở Việt Nam sẽ tạo điều kiện, cơ hội để phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán di động hiện đại, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt phù hợp với nhóm dân cư khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vốn ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Theo sggp.org.vn