Thực trạng ngành Xơ sợi và những thách thức
Bỏ qua những tồn tại, yếu kém của ngành Dệt May - Xơ sợi những năm trước đây, mà chỉ tính trong vài năm lại đây thôi thì thấy rằng, những khó khăn của Dệt May nói chung, ngành Xơ sợi nói riêng vẫn còn vô cùng khó khăn, thách thức.
Với ngành Sợi, khó khăn vẫn “bủa vây” từ quý 3/2022 đến nay. Nguyên nhân là do cầu thấp, giá giảm do biến động bất thường của giá bông (nguyên liệu chính của ngành kéo sợi) và năm nay còn giảm rất sâu so với cùng kỳ năm 2022. Doanh nghiệp (DN) sợi lỗ, tồn kho lớn trong khi vẫn phải duy trì sản xuất. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng của năm 2023, xuất khẩu xơ, sợi dệt đạt gần 1,5 triệu tấn, trị giá gần 3,65 tỷ USD, tăng 12% về lượng, nhưng giảm 10,8% về giá trị. Từ nửa cuối năm ngoái đến quý 2 năm nay, nhiều DN kéo sợi đã phải giảm quy mô sản xuất chỉ còn từ 50 - 80% công suất, hoặc thực hiện nghỉ luân phiên để duy trì sản xuất. Theo báo cáo của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), có đến 59,2% DN gặp khó khăn trong quản lý đơn hàng, 51,1% DN khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, 45,3% khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính và tuân thủ các quy định của pháp luật và 31,1% có nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế.
Theo Báo cáo của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, bên cạnh những trở ngại trên thì ngành Xơ sợi cũng còn những hạn chế, bất cập như: Tình trạng yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay "xanh hóa" dệt may từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới là những thách thức mà DN dệt may Việt Nam cần phải giải quyết để có thể hưởng ưu đãi từ các Hiệp định này. Mặt khác, yêu cầu về chuyển đổi mạnh mẽ mô hình sản xuất theo hướng bền vững, xanh, tuần hoàn và đáp ứng các quy định mới liên quan đến lao động, nguồn gốc xuất xứ, khả năng tái chế của sản phẩm từ các thị trường chủ chốt, như: Mỹ, EU cũng là thách thức không nhỏ, trong khi công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong ngành Dệt May chưa phát triển mạnh, chưa thu hút được sự quan tâm của các DN trong nước và nước ngoài, dẫn đến có sự khan hiếm nguồn nguyên liệu trong nước, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu và khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Đấy là chưa kể lĩnh vực dệt may của Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh lớn từ một số nước đang phát triển hiện đang đẩy mạnh sản xuất trong bối cảnh phục hồi kinh tế và thực hiện hiệu quả chiến lược “xanh hóa” các nhà máy sản xuất, thậm chí gần đây, trước đà hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, nhiều DN nước ngoài, nhiều quốc gia phát triển đã nhanh nhạy chuyển dịch nguồn vốn sản xuất sang Việt Nam, bởi nước ta có tiềm năng, lợi thế về chính trị ổn định, thuận lợi về địa lý và lao động dồi dào, khiến DN Việt bị “lép vế”…
Một vấn đề hóc búa nữa mà theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) chia sẻ, hiện nay, các nước nhập khẩu cũng ngày càng bổ sung thêm nhiều tiêu chí cho sản phẩm. Đơn cử như, các quốc gia EU và các nước Bắc Âu như Na Uy và Iceland đều yêu cầu ngành Dệt May cần phát triển theo hướng bền vững và tuần hoàn hơn nữa, trong đó, đối với sợi tự nhiên và sợi tổng hợp, sợi dệt phải là sợi hữu cơ, tái chế, hoặc có nguồn gốc sinh học. Bông được sử dụng trong quần áo dán nhãn sinh thái Bắc Âu không làm được từ sản phẩm biến đổi gene (GMO) và phải là 100% hữu cơ hoặc tái chế. Quy tắc xuất xứ từ sợi, vải trở đi là khâu yếu của dệt may Việt Nam, bởi chúng ta đang phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu. Theo VITAS, trong 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 15,48 tỷ USD, tăng 7,9%. Như vậy, trung bình mỗi tháng, Việt Nam phải chi hơn 2 tỷ USD để nhập nguyên liệu, bao gồm: Bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu cho các ngành dệt, may, da, giày… chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Giá nguyên phụ liệu dệt may đang tăng nhanh do giá dầu thô, giá xăng dầu biến động khiến chi phí vận tải cao… Mặc dù ngành Dệt May đang đứng trước cơ hội phát triển lớn từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, tuy nhiên, để ngành Dệt may được hưởng ưu đãi từ các FTA mang lại phải đáp ứng nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ từ vải, sợi… Thông thường, ngành sợi xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm và thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 2,4 tỷ USD, nhưng nay DN Việt không xuất được do Trung Quốc mua với giá rất thấp. Trong khi đó, Trung Quốc lại khuyến khích DN của họ xuất khẩu sợi ngược trở lại Việt Nam, với thuế giá trị gia tăng đầu vào của Trung Quốc khá cao (17%), trong khi thuế giá trị gia tăng của Việt Nam chỉ 10%.
Cơ hội và hy vọng mới cho các DN Sợi
Nhà máy Sợi Hòa Xá, Tổng công ty Cổ phần Dệt may Nam Định sản xuất sợi phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu
Ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”, theo đó, riêng ngành Dệt (bao gồm xơ sợi, dệt, nhuộm và hoàn tất vải) tập trung phát triển sản xuất các loại xơ sợi tổng hợp, xơ sợi chức năng, xơ sợi nguyên liệu mới, thân thiện môi trường, sợi chỉ số cao, chất lượng cao,... đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, giảm dần nhập khẩu. Đầu tư phát triển mạnh các mặt hàng vải dệt kim, vải dệt thoi, vải kỹ thuật.
Mục tiêu của Chiến lược là sẽ xây dựng một số khu công nghiệp tập trung chuyên ngành, tổ hợp chuyên ngành dệt may, da giầy lớn (bao gồm chuỗi xơ sợi, dệt nhuộm, hoàn tất vải; thuộc da); ưu tiên dự án có công suất lớn từ nhà đầu tư có uy tín, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có quy trình sản xuất đồng bộ, khép kín và đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường. Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam - Vinatex cho biết, sẽ tập trung phấn đấu giảm 30% lượng nước thải sau nhuộm bằng công nghệ mới; sử dụng lại 30% nước thải sau xử lý cho các công đoạn giặt, rửa, vệ sinh. Đối với ngành sợi, sẽ sử dụng ít nhất 20% xơ polyester tái chế, 15% bông organic để giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đầu tư điện mặt trời tại các nhà máy đủ điều kiện tự nhiên để phấn đấu 10% lượng điện sử dụng có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo...
Về lĩnh vực dệt, gồm xơ sợi, dệt, nhuộm và hoàn tất vải, ngành Dệt May sẽ tập trung phát triển sản xuất các loại xơ sợi tổng hợp, xơ sợi chức năng, xơ sợi nguyên liệu mới, thân thiện môi trường, sợi chỉ số cao, chất lượng cao... đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, giảm dần nhập khẩu; đầu tư phát triển mạnh các mặt hàng vải dệt kim, vải dệt thoi, vải kỹ thuật.
Xây dựng một số khu công nghiệp tập trung chuyên ngành, tổ hợp chuyên ngành dệt may và da giầy lớn (bao gồm chuỗi xơ sợi, dệt nhuộm, hoàn tất vải; thuộc da); ưu tiên dự án có công suất lớn từ nhà đầu tư có uy tín, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có quy trình sản xuất đồng bộ, khép kín và bảo đảm tuân thủ các quy định về môi trường…
Trao đổi với phóng viên về triển vọng phát triển của ngành Dệt May trong thời gian tới, bà Dương Thùy Linh, Phó Tổng Thư ký phụ trách đối ngoại Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) và một số chuyên gia kinh tế cho rằng, về kinh tế vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) cho cả năm 2023 ước tính tăng từ 3,2-3,6% sẽ giúp ổn định tỷ lệ lạm phát, duy trì thu nhập của người dân, tránh thắt chặt chi tiêu. Lãi suất cho vay đang tiếp tục giảm giúp DN đỡ gặp khó khăn hơn trong quá trình vay vốn. Trong khi tăng trưởng GDP dự kiến sẽ ở mức 5% cũng là một sự cố gắng lớn của Chính phủ, giúp các DN có môi trường ổn định duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn. Đặc biệt, ngành Dệt May Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công, ưu đãi thuế thu nhập DN, ưu đãi thuế thu nhập cá nhân. Việt Nam cũng đã và đang ký kết nhiều Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới với hàng loạt các thị trường lớn. Các DN FDI cũng đang tăng cường sản xuất vải từ nguồn cung sợi trong nước, nên Việt Nam vẫn luôn được các DN FDI lựa chọn là điểm đến đầu tư lý tưởng.
“Thời điểm xấu nhất của ngành Dệt May hiện tại đã đi qua”. Với những nỗ lực cao của Chính phủ, DN, cũng như nhu cầu thị trường gia tăng vào các dịp lễ lớn cuối năm, kỳ vọng ngành xuất khẩu tỷ USD sẽ hồi phục trong thời gian tới. Các DN ngành Dệt May nói chung, ngành Xơ sợi nói riêng sẽ tính toán linh hoạt thị trường, cả nội địa và xuất khẩu, mở rộng ở các thị trường có tình hình chính trị ổn định như châu Á để duy trì sản xuất, tận dụng tốt mọi cơ hội để có thể sớm phục hồi phát triển.
Minh Hiếu