Các nhà khoa học đến từ Đại học Nottingham Trent phát hiện, 1/3 thông báo xuất hiện trên điện thoại thông minh ảnh hưởng xấu đến tâm trạng người dùng, theo Telegraph.
Nhóm nghiên cứu điều tra ảnh hưởng của hàng nghìn thông báo điện tử đến tâm trạng của 50 người tham gia trong 5 tuần. Họ phát hiện 32% trong số hơn 500.000 thông báo có ảnh hưởng tiêu cực và gây ra các cảm giác như khó chịu, buồn bực, lo lắng, sợ hãi hay xấu hổ.
Những thông báo không liên quan đến hoạt động của con người như cập nhật phần mềm hay mạng wifi khả dụng ảnh hưởng tệ nhất đến tâm trạng người dùng. Thông báo về công việc cũng có tác động tiêu cực, nhất là khi xuất hiện dồn dập. Trái lại, mọi người rất thích thú khi nhận được tin nhắn từ bạn bè, đặc biệt là nhiều người một lúc vì nó mang lại cảm giác kết nối với xã hội.
"Những cảnh báo điện tử này liên tục gián đoạn hoạt động của chúng ta vì nó đòi hỏi sự chú ý ngay lập tức", nhà nghiên cứu Eiman Kanjo cho biết. Dù các thông báo giúp cuộc sống tiện nghi hơn, con người vẫn cần hiểu thêm về tác động đến sức khỏe khi sử dụng chúng quá mức.
"Rõ ràng những thông báo mang tính xã hội khiến mọi người vui vẻ, nhưng khi nhận quá nhiều thông báo về công việc hoặc không liên quan đến hoạt động con người, nó sẽ phản tác dụng", Kanjo nói thêm.
Nhóm nghiên cứu phát triển một ứng dụng có tên NotiMind để những người tham gia tải về điện thoại. Ứng dụng này thu thập dữ liệu liên quan đến thông báo từ điện thoại và tâm trạng mà người dùng ghi lại ở nhiều thời điểm trong ngày qua 5 tuần.
Các nhà khoa học nhận thấy, họ có thể dự đoán tâm trạng người dùng dựa vào thông tin thu được. Trong tương lai, nghiên cứu có thể dùng để cá nhân hóa thông báo, ví dụ như hiển thị ít thông báo hệ thống hơn khi người dùng không vui mà thay vào đó là tin giải trí để cải thiện tâm trạng.
"Các phát hiện của chúng tôi có thể mở đường cho hàng loạt ứng dụng liên quan đến nhận thức cảm xúc về giao tiếp qua điện thoại và giao tiếp xã hội", Daria Kuss, chuyên gia tâm lý tại Đại học Nottingham Trent nhận định.
Nguồn Vnexpress