Chủ Nhật, 24/11/2024 03:53:06 GMT+7
Lượt xem: 1710

Tin đăng lúc 10-06-2018

Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc

Trong năm tháng đầu năm nay, TP Hà Nội đã thu hút 860 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Đây là kết quả sau nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chủ động xúc tiến đầu tư tại các thị trường đầu tư trọng tâm, trọng điểm của thành phố.
Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung với các đại biểu dự Hội nghị "Gặp gỡ châu Âu" năm 2018.

Chủ động tiếp cận, đối thoại về hướng phát triển của thành phố; giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh và cơ hội, chính sách đầu tư tới các doanh nghiệp, các thị trường trọng điểm, chính là cách Hà Nội thu hút nguồn vốn nước ngoài một cách hiệu quả. Tháng 5 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội phối hợp Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Liên minh châu Âu và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ châu Âu” (Meet Europe) năm 2018. Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ, các nước Liên minh châu Âu (EU) luôn là đối tác tin cậy trong quá trình hội nhập quốc tế và hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực. Hiện có 28 quốc gia châu Âu đầu tư vào 548 dự án trên địa bàn Hà Nội với số vốn hơn 3,8 tỷ USD, tập trung vào nhiều lĩnh vực như thương mại, tài chính, văn hóa, giáo dục, du lịch... Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ mong muốn và kỳ vọng được hợp tác với các doanh nghiệp châu Âu trong việc quản lý đô thị, nông nghiệp xanh, áp dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực như y tế, giáo dục, môi trường, quản trị doanh nghiệp, khởi nghiệp..., vốn là thế mạnh của các quốc gia EU.

 

Trước đó, tháng 3-2018, Hà Nội đã tổ chức Hội nghị trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội với Nhật Bản, có sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản, nhằm giới thiệu môi trường, cơ hội đầu tư tại Hà Nội. Lâu nay, Nhật Bản luôn là đối tác quan trọng của Hà Nội, là quốc gia hàng đầu trong đầu tư trực tiếp và hỗ trợ ODA. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư hơn 950 dự án với tổng vốn hơn 5,4 tỷ USD vào Hà Nội. Đồng thời, đã và đang hoạt động sản xuất, kinh doanh thành công trên địa bàn Thủ đô, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn bốn tỷ USD. Các dự án từ nguồn vốn của Nhật Bản đã đóng góp lớn cho sự phát triển của thành phố như cầu Nhật Tân, tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài... Qua hội nghị này, hai bên đã ký kết năm biên bản hợp tác đầu tư trong nhiều lĩnh vực.

 

Mới đây nhất, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Nhật Bản từ ngày 29-5 đến 2-6, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cùng đoàn công tác của Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc các cơ quan, ban, ngành, nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản như: Làm việc với Tập đoàn Hitachi Zosen về công nghệ xử lý rác thải, thống nhất sẽ đầu tư nhà máy xử lý chất thải tại Hà Nội; làm việc với Tập đoàn AEON để tăng cường hợp tác, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án AEON Mall Hà Đông…

 

Cùng với những nỗ lực trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng hơn, thì giải pháp tăng cường tiếp xúc, trao đổi với tinh thần cầu thị, đồng hành cùng doanh nghiệp đã giúp bức tranh đầu tư của Hà Nội khởi sắc. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, kết quả thu hút đầu tư từ đầu năm đến nay của thành phố khá khả quan. Năm tháng đầu năm, Hà Nội đã thu hút 860 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó cấp mới 225 dự án, vốn đầu tư đăng ký mới 529,2 triệu USD; tăng vốn 48 lượt dự án, vốn đầu tư đăng ký tăng 131,3 triệu USD; có 27 dự án đầu tư ngoài ngân sách đang triển khai thực hiện với số vốn 27 nghìn tỷ đồng, cùng 13 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm là 1,98 nghìn tỷ đồng. Thời gian qua, thành phố đã tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung vào các chỉ số còn thấp, trọng tâm là các lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư… Năm 2017, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội đã có bước chuyển vững chắc, đứng 13 trong số 63 tỉnh, thành phố; chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) đứng vị trí thứ hai (tăng một bậc). Nhờ đó, Hà Nội là một trong ba địa phương dẫn đầu cả nước được các doanh nghiệp FDI ưu tiên lựa chọn.

 

Tại Hội nghị “Hà Nội 2018: Hợp tác đầu tư và Phát triển” tới đây, thành phố sẽ tiếp tục đưa ra danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, đồng thời tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động, tích cực triển khai thực hiện các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp triển khai dự án một cách nhanh chóng, hiệu quả. Chính quyền thành phố cam kết luôn “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp, xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thúc đẩy kinh tế phát triển và nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô.

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang