Kết quả lớn từ Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động
Trước khi bước vào chất vấn và trả lời chất vấn, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong những tháng qua, với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành; tăng cường kỷ luật kỷ cương; kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả chi tiêu công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước và trong toàn xã hội; chống lợi ích nhóm, nhất là trong cổ phần hóa, đầu tư công; tăng cường phòng chống tham nhũng…
“Với phương châm nói đi đôi với làm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của cơ quan cấp trên, người đứng đầu từ trung ương đến địa phương” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng thông tin, kinh tế - xã hội tháng 10 năm nay tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; Dư nợ tín dụng 10 tháng tăng trên 12,5%; mặt bằng lãi suất giảm; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 41 tỷ USD; xuất khẩu tăng 7,2%, cả năm ước tăng khoảng 8%; vốn FDI thực hiện tăng 7,6%; thu ngân sách nhà nước tăng 6,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi mạnh, tăng 10,7%; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,3%; trên 91,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 18,3% về số lượng và 46,2% về vốn đăng ký; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 38,8%...
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, khẩn trương chuẩn bị triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu.
Thủ tướng ví von: "Tuy 5 ngón tay có ngón dài ngón ngắn nhưng đều chung một bàn tay, các thành viên Chính phủ đương nhiệm quyết tâm xây dựng một Chính phủ đoàn kết, thống nhất, hoạt động công khai, minh bạch, liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển,... để thực hiện tốt nhất các mục tiêu được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Quốc hội hoan nghênh tinh thần quyết liệt hành động của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong thời gian qua
Mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), Lê Quân (Hà Nội), Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Tô Văn Tám (Kon Tum), Nguyễn Phi Thường (Hà Nội), Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai); Lê Thanh Vân (Cà Mau), Trần Hoàng Ngân (TPHCM), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)... đặt ra hàng loạt vấn đề cử tri và nhân dân cả nước đang hết sức quan tâm và đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp giải quyết, như: Giải pháp nâng cao kỷ luật kỷ cương hành chính; giải pháp xử lý vấn đề nợ công; quan điểm của Chính phủ về tương lai của Hiệp định TPP; giải pháp đột phá để thực hiện tinh giảm biên chế; phát triển kinh tế du lịch; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật; chính sách tổng quát để phát triển khu vực Tây Nguyên; giải pháp ngăn chặn lãng phí tài sản công; quan điểm, giải pháp xử lý 5 dự án thua lỗ lớn; giải pháp tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI; hiệu quả của trang thông tin tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp; kịch bản đối ngoại của Chính phủ sau bầu cử Tổng thống Mỹ; giải pháp để thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế giai đoạn tới trên tinh thần giữ vững độc lập tự chủ; cơ cấu lại nền nông nghiệp Việt Nam; giải pháp đột phá để cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh...
Những giải pháp lớn từ Chính phủ cho từng vấn đề “nóng”
Trong phần trả lời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thẳng vào từng vấn đề. Việc xử lý cán bộ thoái hóa, biến chất là vấn đề cấp bách. Chính phủ kiên quyết xử lý cán bộ tham nhũng, tiêu cực, quyết tâm loại bỏ cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy. Vì vậy, cần có chủ trương hết sức cụ thể và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công khai, minh bạch, hạn chế thấp nhất tình trạng xin cho (tài chính, ngân sách, tài nguyên, đất đai); đẩy mạnh cải cách tiền lương gắn với tinh giản biên chế, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, chống thoái hóa biến chất...
Nợ công quốc gia là vấn đề hệ trọng đối với kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Do đó, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, tập trung rà soát các dự án sử dụng vốn vay, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Một trong những giải pháp quan trọng khác trong tái cơ cấu nợ công, theo Thủ tướng, là việc hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại, bảo đảm khả năng tự trả nợ và kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ đọng xây dựng cơ bản. Chính phủ cũng sẽ tập trung chỉ đạo cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm chi phí vay vốn, giảm thiểu rủi ro. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và công khai các thông tin về nợ công. Chính phủ có trách nhiệm tính toán đầy đủ và báo cáo Quốc hội các giải pháp căn cơ, khả thi.
Phiên chất vấn và trả lời chât vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi
Thủ tướng nhắc lại, chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã có từ lâu nhưng kết quả chưa như mong muốn. Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường, thực hiện công khai minh bạch, chống lợi ích nhóm, ngăn ngừa thất thoát vốn, tài sản nhà nước.Về nội dung xử lý nợ xấu, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tập trung thu hồi nợ, thu giữ, định giá, phát mại tài sản. Đồng thời, cải cách thủ tục tố tụng, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm; tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực cho VAMC; phát triển thị trường mua bán nợ...
“Sẽ thoái hết vốn nhà nước tại những doanh nghiệp không cần nắm giữ” - Thủ tướng kiên quyết và cho biết thêm, đi kèm đó là việc tập trung nâng cao năng lực quản trị, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của DNNN. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện, trước mắt là những đơn vị sự nghiệp kinh tế công lập. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; sớm thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trước vấn đề an toàn thực phẩm, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ quyết tâm lập lại trật tự bằng việc chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, đề cao trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. “Riêng trong năm 2016, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với trên 200 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh” - Thủ tướng thông báo và cho biết thêm, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước, lập lại kỷ cương trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Quản lý chặt chẽ tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ, công khai quy trình sản xuất. Nâng cao năng lực và thường xuyên kiểm tra chất lượng sản phẩm. Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người đứng đầu...
Về tương lai của Hiệp định TPP, tinh thần của Việt Nam là sẵn sàng tham gia hiệp định này. Thủ tướng nói: “Hiện nay Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế và TTP cũng nằm trong tinh thần đó”. Chủ trương chung là đẩy mạnh hội nhập nhưng phải chủ động, giữ vững độc lập về kinh tế, phát triển các thế mạnh của Việt Nam để phát triển bền vững, mở rộng thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường cụ thể nào...
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chất vấn: "Ký kết các hiệp định thương mại tự do là thiết lập cơ chế bảo hộ của các nước thành viên, nhưng trong đó có chuyện mạnh được yếu thua. Việc quan trọng là phải xây dựng cơ chế bảo hộ thị trường, người tiêu dùng, doanh nghiệp trong nước một cách khôn ngoan. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào FDI, bán lẻ bị nước ngoài thâu tóm… Thủ tướng có giải pháp chiến lược gì để ngăn chặn hiệu ứng ngược của các hiệp định thương mại tự do"?. Thủ tướng đồng tình với cách đặt vấn đề của đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Cùng với tiến trình hội nhập, ký hiệp định thương mại tự do, chúng ta cần nghiên cứu, phải có biện pháp bảo vệ người tiêu dùng nội địa, bảo vệ doanh nghiệp và hàng hóa sản xuất trong nước. Cần quan tâm hơn bảo vệ thị trường trong nước, thực hiện tốt cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam; xây dựng cơ chế để phát triển các tập đoàn, công ty lớn của đất nước...
Về phát huy tiềm năng du lịch, theo Thủ tướng, tinh thần của Chính phủ là quyết tâm xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với biện pháp chính là xây dựng một cộng đồng làm du lịch văn minh, xây dựng thương hiệu du lịch lớn ở các vùng, phát huy các điểm đến ưu tiên, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong nhập cảnh để thu hút du khách nước ngoài, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực làm du lịch...
Trước vấn đề phát triển khu vực Tây Nguyên, Thủ tướng khẳng định đây là địa bàn chiến lược. Để phát triển bền vững khu vực này cần triển khai đồng bộ các giải pháp cả về kết nối hạ tầng, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, phát triển các sản phẩm chủ lực, giữ gìn văn hóa, quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu hiệu quả các nguồn lực...
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu những giải pháp cụ thể để quản lý sử dụng tiết kiệm tài sản công; xử lý các dự án thua lỗ lớn với tinh thần không sử dụng tiền thuế của dân để bù lỗ, xem xét cụ thể từng dự án để có giải pháp phù hợp nhất; gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI thành một khối gắn kết trong nền kinh tế thống nhất, cùng nhau phát triển...Cả nước có 13 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ đói nghèo trong đồng bào cao...; do vậy, cần có chính sách cần thiết để nâng cao mức sống, nâng cao dân trí cho đồng bào. Dù điều kiện còn khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn dành nguồn ngân sách thỏa đáng đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn phát triển kinh tế, xã hội với giữ gìn văn hóa; trong đó ưu tiên cho các xã biên giới, các dân tộc rất ít người, phát huy vai trò của người có uy tín...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Các phiên chất vấn diễn ra với không khí dân chủ, thẳng thắn, xây dựng. Việc tổ chức chất vấn có những đổi mới, các đại biểu đặt câu hỏi ngắn, rõ ràng, tăng cường tranh luận, yêu cầu làm rõ trách nhiệm và giải pháp xử lý. Các thành viên Chính phủ nắm vững nhiệm vụ của ngành, nhận trách nhiệm, đề ra giải pháp xử lý những tồn tại. Thủ tướng Chính phủ đã trả lời thẳng thắn các câu hỏi chất vấn của đại biểu gắn với trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời nêu rõ các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế,... Quốc hội hoan nghênh tinh thần quyết liệt hành động của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong thời gian qua. Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các thành viên Chính phủ tiếp tục bám sát các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII, triển khai các giải pháp để thực hiện hiệu quả các yêu cầu của Quốc hội tại kỳ họp này, trong các lĩnh vực cụ thể thuộc ngành Công Thương; Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ. Quốc hội yêu cầu các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt nhất các mục tiêu đề ra. |
Nguồn Báo Công Thương