Phát biểu trước lãnh đạo Bộ Công Thương và các doanh nghiệp lớn trong ngành, như: Tập đoàn Dầu khí, Dệt may, Da giầy, Tập đoàn Than và Khoáng sản - những doanh nghiệp đang sản xuất ra khối lượng hàng hóa xuất khẩu hàng chục tỷ USD mỗi năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những đóng góp của các doanh nghiệp ngành Công Thương vào tăng trưởng của nền kinh tế, kim ngạch xuất khẩu, đảm bảo đủ năng lượng, xăng dầu, phân bón, hóa chất và máy móc lớn cho nền kinh tế cũng như tiến trình hội nhập của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp của ngành Công Thương đã có những đóng góp hết sức tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Năm nay, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 6,55% và bình quân 5 năm là 6%, đưa Việt Nam trở thành một trong ít nước có tăng trưởng cao nhất thế giới theo như đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Cùng với tăng trưởng, kinh tế vĩ mô cũng giữ được ổn định. Thể chế kinh tế thị trường ngày càng được hoàn thiện, môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được cải thiện đáng kể; môi trường chính trị, an ninh, xã hội luôn ổn định trên cơ sở lòng tin và sự ủng hộ của nhân dân.
Thủ tướng nói: "Thành tựu trong 5 năm qua, cùng với thành tựu của 30 năm Đổi mới đã tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi để cả nước có lòng tin vào sự phát triển nhanh và bền vững hơn cho 5 năm tới” và yêu cầu, bước vào năm 2016, các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp ngành Công Thương nói riêng cũng như doanh nghiệp cả nước phải phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn và tăng trưởng cao hơn trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phải có đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia và hoàn thiện thể chế.
Theo đó, lãnh đạo Bộ phải tập trung rà soát thể chế, cơ chế, chính sách thuộc phạm vi của Bộ Công Thương để có những điều chỉnh cần thiết nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, Bộ cũng phải rà soát điều chỉnh chiến lược và quy hoạch trong điều kiện kinh tế thị trường, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phải hết sức quan tâm phát triển thị trường trong nước, đi cùng với việc tận dụng tối đa việc giảm thuế của các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, đề nghị các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp của Bộ Công Thương nhất là điện và than phải đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu để kinh doanh hiệu quả và năng suất cao hơn từ đó nâng cao sức cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Trong tái cơ cấu phải thực hiện cổ phần hóa, tạo ra đa sở hữu để tạo ra năng lực quản trị mới, đi cùng với đổi mới công nghệ để hạ giá thành và nâng cao năng suất lao động.
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử