Hội nghị cấp cao ASEAN 30 là sự kiện quan trọng, mở đầu cho các hoạt động chính thức của năm ASEAN 2017 do Philippines đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, đồng thời là sự kiện quan trọng đầu tiên của các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN (1967-2017).
Hội nghị lần này với chủ đề “Chung tay đổi thay, kết nối toàn cầu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước ASEAN đã đánh giá kết quả đạt được vừa qua và đề ra phương hướng triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN, bàn các biện pháp tăng cường quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Các nhà lãnh đạo ASEAN đã bày tỏ ủng hộ các ưu tiên hợp tác của nước Chủ tịch Philippines trong năm nay, coi đây là những nội dung thiết thực, phản ánh nhu cầu kết nối nội khối và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN với tư cách là một đối tác toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay, để đạt hiệu quả hợp tác thực chất, ASEAN cần ưu tiên thực hiện ba trọng tâm là: (i) đáp ứng lợi ích của người dân, lấy người dân làm trung tâm; (ii) nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN; và (iii) tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác nội khối và liên kết khu vực.
Thực tiễn 50 năm trưởng thành của ASEAN đã chứng minh ASEAN chỉ mạnh khi có sự đoàn kết nội bộ, đây là cơ sở để ASEAN vượt qua khó khăn, thách thức vươn lên, lớn mạnh và cũng là cơ sở để tạo nên tiếng nói thống nhất, lập trường chung trước các cường quốc, các đối tác quốc tế và tạo cho ASEAN có vị thế, vai trò ngày càng lớn trên thế giới. Để tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN có được sự ủng hộ và tham gia rộng rãi của người dân mọi tầng lớp và vùng miền, ASEAN cần chú trọng các dự án gắn kết người dân các nước thành viên, mở rộng và kết nối các cơ hội việc làm, giao lưu văn hóa, du lịch… để người dân được hưởng lợi nhiều hơn nữa từ tiến trình liên kết, hội nhập ASEAN. Bên cạnh đó, sau 50 năm hình thành và phát triển, đây là thời điểm ASEAN đề ra các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, cải tiến cơ chế, tinh giản bộ máy, coi đây là điều kiện cần thiết để ASEAN tiếp tục vững mạnh và vươn lên.
Một biện pháp để đẩy mạnh liên kết khu vực, hợp tác nội khối là cần dành ưu tiên cao cho hợp tác về kinh tế thương mại. Trong khi thương mại với các đối tác bên ngoài ASEAN tăng mạnh, nhưng thương mại các nước nội khối ASEAN chỉ chiếm 25% và tăng chậm. Cần phải có các giải pháp thiết thực, hiệu quả để phát huy thương mại nội khối, khai thác hiệu quả thị trường 620 triệu dân có sức mua ngày càng tăng. Sớm hoàn thiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2016-2025, dành nhiều nguồn lực hơn cho các hoạt động khởi nghiệp và sáng tạo, hỗ trợ tiếp cận tài chính, mở rộng thị trường trong nền kinh tế số toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam sẽ cùng Thái Lan nỗ lực làm tốt vai trò dẫn dắt trong thực hiện lĩnh vực ưu tiên “Nâng cao năng suất, thúc đẩy công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Thủ tướng và nhiều lãnh đạo ASEAN đã bày tỏ quan điểm, lập trường về vấn đề Biển Đông và đã được nêu rõ trong Tuyên bố của Hội nghị và khẳng định gìn giữ hòa bình, an ninh ở Biển Đông không chỉ là trách nhiệm của các nước liên quan mà là trách nhiệm chung của khu vực và quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp giữa các Lãnh đạo ASEAN và Đại diện Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, là đại biểu trực tiếp của người dân, AIPA đóng vai trò không thể thiếu đối với tiến trình liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng ASEAN. Chính phủ các nước ASEAN đề nghị AIPA hỗ trợ đẩy nhanh việc thông qua các văn kiện pháp lý và thỏa thuận của ASEAN, qua đó tạo điều kiện cho việc triển khai các văn kiện và thỏa thuận kịp thời và hiệu quả.
Tại cuộc họp giữa các Lãnh đạo ASEAN và Thanh niên, các Lãnh đạo ASEAN đã bày tỏ Cộng đồng ASEAN đã và sẽ mang lại nhiều cơ hội cho người dân, trong đó có thế hệ trẻ và mong muốn “các bạn trẻ chủ động trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để nắm bắt các cơ hội mà Cộng đồng mang lại”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tôi trông đợi các bạn trẻ tiếp tục có nhiều sáng kiến, ý tưởng góp phần giải quyết các vấn đề đang nổi lên ở khu vực, tham gia tích cực các khuôn khổ hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các Đối tác”.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một số cuộc gặp, làm việc, tiếp xúc song phương các trưởng đoàn, nhà lãnh đạo các quốc gia ASEAN tham dự Hội nghị (Tổng thống Philippines Rodrigo Roa Duterte, Quốc vương Brunei Sultan Haji Hassanal Bolkiah, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Malaysia Najib Razak, Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi). Tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, hai bên đã trao đổi nhiều biện pháp, định hướng thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, cũng như giải quyết các vấn đề cụ thể.
Tổng thống Philippines khẳng định mạnh mẽ phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam trên các lĩnh vực hợp tác. Trước mắt, sẽ xem xét tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam; tập trung giải quyết những thủy thủ bị bắt cóc…
Thủ tướng Malaysia Najib Razak đánh giá cao vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong ASEAN. Trả lời đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Malaysia hứa sẽ thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chế biến thực phẩm cho người Hồi giáo, xem xét tăng số lượng lao động Việt Nam làm việc trong các lĩnh vực Malaysia có nhu cầu, khuyến khích các doanh nghiệp Malaysia đầu tư vào Việt Nam và mong nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ Việt Nam. Thủ tướng Malaysia nêu rõ sẽ đảm bảo quá trình tố tụng, xét xử Đoàn Thị Hương diễn ra công bằng và đảm bảo các quyền hợp pháp của Đoàn Thị Hương.
Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi nói, Việt Nam là nguồn cảm hứng cho Myanmar trong quá trình xây dựng đất nước. Phía Myanmar nhất trí tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Quốc vương Brunei Sultan Haji Hassanal Bolkiah nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp và triển khai mạnh mẽ hơn nữa các lĩnh vực hợp tác hiện có, đặc biệt là thương mại, dầu khí, nông nghiệp, nghề cá gắn với chế biến nông sản, hải sản và du lịch, đồng thời, tăng cường tính hiệu quả trong hoạt động của Uỷ ban hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao, nhóm làm việc về Hải quân và các cơ chế hợp tác song phương khác.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, hai Thủ tướng đồng ý cần cân bằng cán cân thương mại và thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước. Hai bên nhất trí tăng cường tuyên truyền và phối hợp cảnh báo trước để giảm thiểu số tàu cá hai nước đánh cá trái phép và vi phạm lãnh hải của nhau.
Trong thời gian tham dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm Đại sứ quán, gặp gỡ và nói chuyện với đại diện cộng đồng người Việt Nam đang công tác, học tập và sinh sống tại đây.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 và các hội nghị cấp cao liên quan đã đạt nhiều kết quả nổi bật, không chỉ ghi dấu mốc kỷ niệm 50 năm của một Cộng đồng trong năm kỷ niệm “vàng” 2017 mà còn ghi dấu ấn của Việt Nam - một thành viên luôn chủ động, tích cực và có trách nhiệm với sự phồn vinh của ASEAN./.
Nguồn Báo Công Thương