Thứ Ba, 26/11/2024 03:00:24 GMT+7
Lượt xem: 2142

Tin đăng lúc 20-10-2019

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc

Ngày 19/10, tại Nam Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham gia chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, về đích trước gần 2 năm so với kế hoạch. Bên cạnh 4.665 xã (chiếm 52,4% tổng số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, 109 đơn vị cấp huyện (chiếm 16,5% số huyện) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chúng ta đã có hai tỉnh Đồng Nai (133/133 xã, 11/11 huyện đạt chuẩn nông thôn mới) và tỉnh Nam Định (209/209 xã, 10/10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới).

 

Chương trình được triển khai quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp cả nước, với sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của nhân dân, có nhiều cách làm hay, hiệu quả, tạo sự chuyển biến lớn cả về lượng và chất đối với làng quê Việt Nam. Nhiều nơi, kết cấu hạ tầng điện đường, trường, trạm được xây dựng đồng bộ. Hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn được đồng bộ hơn với sản xuất hàng hóa, quy mô lớn.

 

Cùng với đó, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ có nhiều tiến bộ và nhiều kết quả tốt. Công tác đào tạo nghề cho khu vực nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh. Đã hình thành nhiều trang trại, hợp tác xã kiểu mới, các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn với 14.800 hợp tác xã, 11.000 doanh nghiệp, 33.000 trang trại hoạt động có hiệu quả.

 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực sự là luồng gió đổi mới, tích cực cho sự phát triển toàn diện vùng nông thôn. Đây là sự tất yếu của tinh thần chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân. Những kết quả xây dựng nông thôn mới, những thành tựu phát triển nông nghiệp thời gian qua không thể vượt bậc, tỏa sáng nếu không có phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới.

 

Thủ tướng cho biết, trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình trong lao động sản xuất, trong vận động gia đình và người thân hiến đất, góp công, góp sức tham gia kiến tạo nông thôn.

 

Điển hình là nhân dân xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình tích cực tham gia hiến đất mở đường, xây dựng đường đẹp, ngõ đẹp; xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng với mô hình vùng chuyên canh nông sản đặc trưng; mô hình xã hội hóa nguồn lực phát triển giao thông nông thôn ở xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; mô hình vận động toàn dân hiến đất gắn với dồn điền đổi thửa tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình; mô hình cùng nông dân ra đồng của xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận; mô hình người dân chủ động tìm mô hình sản xuất phù hợp, chính quyền địa phương song hành với người dân trong quá trình sản xuất tại huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng… và rất nhiều sáng tạo khác ở cả 3 miền Trung, Nam, Bắc.

 

Phong trào thi đua trong gần 10 năm qua đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân với tổng nguồn lực khoảng 2,2 triệu tỷ đồng, mỗi năm bình quân khoảng 10 tỷ USD đầu tư cho nông thôn mới, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Phong trào thi đua thực sự trở thành một phong trào có ý nghĩa, đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa sâu rộng ở địa phương, thu hút được người dân và cộng đồng hăng hái tham gia. Tư duy nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới chuyển biến rõ nét. Nhiều cán bộ thực sự tâm huyết, trách nhiệm cao với phong trào, người dân có ý thức trong xây dựng nông thôn mới. Cho nên bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến, đời sống được nâng lên rõ rệt.

 

Tại buổi lễ, Thủ tướng biểu dương những thành tích mà tất cả các tổ chức, cá nhân đã được vinh danh trong 10 năm xây dựng nông thôn mới vừa qua, đặc biệt là những điển hình tiên tiến vinh danh hôm nay, những đơn vị đi đầu trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới như các tỉnh Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương và TP. Đà Nẵng có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, các huyện Hải Hậu (Nam Định), Nam Đàn (Nghệ An), Đơn Dương (Lâm Đồng) và Xuân Lộc (Đồng Nai) được lựa chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

 

Thủ tướng đặc biệt biểu dương các cá nhân điển hình như ông Vàng A Chỉnh, dân tộc Mông, trưởng Bản Sin, Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã vận động dân hiến 4 ha đất, 12.000 ngày công, đóng góp 1,2 tỷ đồng; ông Võ Văn Sáng, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã trực tiếp tổ chức và huy động xây dựng 18 cây cầu bê tông nông thôn, tổng kinh phí 25,7 tỷ đồng, huy động trên 6.000 ngày công tự nguyện; bà Đặng Thị Quý, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội doanh thu trên 1 tỷ đồng năm đã sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm Top 130 dự án xuất sắc tại cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0”…

 

Thủ tướng mong muốn các điển hình tiên tiến, các cá nhân và doanh nghiệp tiếp tục phát huy tốt các thành tích đã đạt được, lan tỏa, đóng góp xứng đáng cho việc phát triển một nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với phát triển nông thôn mới phồn vinh, văn minh và cải thiện nhanh hơn đời sống của người dân.

 

Nhấn mạnh xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng cho rằng: 10 năm đã qua là chặng đường không dài, chúng ta cần tiếp nối con đường này để xây dựng nông thôn khá giả, giàu có và đáng sống.

 

Tiếp tục xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Kết luận 54 của Bộ Chính trị, Thủ tướng cho biết, sắp tới đây, chúng ta sẽ triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; dự kiến phấn đấu đến năm 2025 có 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 50% số huyện, thị xã đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có 10% được công nhận là huyện, thị xã nông thôn mới kiểu mẫu, có ít nhất 19 tỉnh được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

 

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua", với tinh thần mới, khí thế mới, tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025.

 

Thủ tướng yêu cầu đưa nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào nội dung thực hiện kết quả nhiệm vụ chính trị, bình xét thi đua hằng năm của các địa phương; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch trong phong trào thi đua, tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia phong trào gắn với thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực.

 

Hội nghị là dấu mốc quan trọng để tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

 

Tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa X), Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặt ra mục tiêu: “Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; đến 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới”.

 

Thực hiện Nghị quyết số 26, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và rất khẩn trương xây dựng Chương trình hành động, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, xác định đây là giải pháp thiết thực nhất để cụ thể hóa Nghị quyết số 26; đồng thời, phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” để vận động, huy động các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội và nhân dân cả nước chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới.

 

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 và 9 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị các cấp, các lực lượng xã hội và sự hưởng ứng, chung tay, góp sức của nhân dân, cả nước đã đạt được những thành tựu vượt bậc.

 

Khu vực nông thôn Việt Nam đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt là trong giai đoạn nước ta chịu tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu; củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

 

Kết quả nổi bật là đã hoàn thành trước gần 2 năm mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thu nhập của người dân tăng gần 3 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao. Trong số các xã được công nhận đạt chuẩn, có 87 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và 42 xã vùng bãi ngang ven biển, hải đảo. Đồng thời, đã có 63 xã đạt chuẩn nâng cao và đã có địa phương có xã đạt chuẩn kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Có 8 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ).

 

Cả nước đã có 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Nam Định đã có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

 

Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh, gấp gần 3 lần so với năm 2010 (12,8 triệu/người năm 2010, 35,9 triệu đồng/người năm 2018). Khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị giảm từ 2,1 lần năm 2010 xuống còn 1,8 lần năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân khoảng 1,5%/năm).

 

Theo Enternews


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang