Thứ Bẩy, 23/11/2024 12:07:01 GMT+7
Lượt xem: 1938

Tin đăng lúc 24-05-2017

Thừa Thiên Huế: Gần 52 tỷ đồng phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025

Vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn từ năm 2017-2025.
Thừa Thiên Huế: Gần 52 tỷ đồng phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025
Dệt may là ngành công nghiệp được tập trung phát triển

Kế hoạch nhằm đến mục tiêu: Đẩy mạnh phát triển sản xuất các sản phẩm CNHT phục vụ sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong nước và hướng tới xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Phấn đấu, đến năm 2020, sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh đáp ứng khoảng 35% và đến năm 2025 đáp ứng khoảng 55% nhu cầu cho sản xuất công nghiệp trong tỉnh. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 51,55 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2017 - 2020, khoảng 24,65 tỷ đồng và giai đoạn 2021 - 2025, khoảng 26,90 tỷ đồng.

 

Theo đó, giai đoạn 2017 - 2025, sẽ đẩy mạnh phát triển lĩnh vực CNHT dệt may - da giày; linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử và CNHT cho công nghiệp công nghệ cao, trong đó tập trung phát triển lĩnh vực CNHT dệt may. Hình thành và phát triển khu công nghiệp hỗ trợ dệt may tỉnh Thừa Thiên Huế (tại KCN Phong Điền) thành trung tâm sản xuất CNHT dệt may lớn của khu vực miền Trung và cả nước. Kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đế, mũi giày và phụ liệu giày có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh.

 

Về lĩnh vực CNHT ngành dệt may - da giày: Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm CNHT ngành dệt may - da giày phục vụ nhu cầu nguyên vật liệu và phụ liệu đáp ứng đầu vào cho các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh và khu vực miền Trung. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ cung ứng sản phẩm CNHT cho ngành dệt may da giày trên địa bàn tỉnh đạt trên 65%, đến năm 2025 đạt trên 75%.

 

Trong đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư và phát triển các dự án sản xuất nguyên phụ liệu, vải, sợi để hình thành nên chuỗi cung ứng hoàn chỉnh; các dự án sản xuất phụ liệu ngành may như: cúc, mex, khóa kéo, băng chun,..; dự án sản xuất các phụ tùng đặc thù của ngành dệt may như: lược, lamen, dây go (cho ngành dệt); khuyên, nồi, suốt sắt,… (cho ngành kéo sợi); chân bàn máy khâu, máy cắt, máy kiểm vải,... (cho ngành may). Phấn đấu đến năm 2020 sản lượng sợi đạt trên 100.000 tấn sợi/năm và trên 20 triệu mét vải/năm; đến năm 2025 sản lượng sợi đạt trên 150.000 tấn sợi/năm và trên 45 triệu mét vải/năm. Các sản phẩm CNHT ngành dệt may khác như phụ liệu ngành may, phụ tùng cơ khí đặc thù của ngành dệt may; phấn đấu đến năm 2020 đáp ứng trên 70% nhu cầu của các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh và đến năm 2025 đáp ứng trên 80%.

 

Về lĩnh vực linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử: Tập trung kêu gọi và thu hút đầu tư các dự án đầu tư phát triển sản xuất linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử trên địa bàn tỉnh phục vụ nhu cầu phát triển của các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, ngành sản xuất thiết bị y tế và ngành điện - điện tử trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2020, tỷ lệ cung ứng đạt trên 35% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành sản xuất thiết bị y tế và ngành điện - điện tử trên địa bàn tỉnh, đến năm 2025 đạt trên 55%.

 

Về lĩnh vực CNHT cho công nghiệp công nghệ cao: Phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; Hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang