Thứ Sáu, 22/11/2024 00:41:34 GMT+7
Lượt xem: 3822

Tin đăng lúc 30-05-2016

Thừa Thiên Huế: Gỡ khó cho doanh nghiệp dệt may

Nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp (DN) dệt may, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức đối thoại với 11 DN dệt may lớn trên địa bàn.
Thừa Thiên Huế: Gỡ khó cho doanh nghiệp dệt may
Ảnh minh họa

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 52 DN dệt may, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 11.250 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho gần 24 nghìn lao động. Tuy nhiên, phần lớn DN sản xuất dưới hình thức gia công nên giá trị gia tăng chưa cao; phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu và thiếu nhân lực chất lượng cao...

 

Ông Lê Thanh Liêm - Phó Giám đốc Công ty TNHH May Vinatex Hương Trà - chia sẻ, trên địa bàn vẫn chưa có cơ sở đào tạo chuyên ngành may- thiết kế thời trang; đội ngũ lao động chủ yếu là lao động phổ thông nên DN phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo kế hoạch, quý II/2016, công ty đầu tư thêm 50 tỷ đồng mở rộng dây chuyền sản xuất nhưng gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động nên DN chưa triển khai dự án. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tý - Giám đốc điều hành Công ty CP Dệt may Huế - cho biết thêm, sau khi tuyển dụng được lao động, DN tự đào tạo. Mặt khác, một số trung tâm dạy nghề chưa thực sự gắn kết các chương trình đào tạo với nhu cầu DN nên số lao động sau khi đào tạo DN không thể sử dụng mà phải tổ chức đào tạo lại, khá tốn kém và mất thời gian.

 

Bên cạnh đó, ông Phạm Gia Định - Giám đốc Công ty CP Dệt may Thiên Phú - nêu vấn đề: Lâu nay, DN dệt may phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nước ngoài. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh và ban, ngành cần tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi dự án sản xuất hàng phụ trợ dệt may phân bổ đều tại các khu công nghiệp. Khi có nguyên phụ liệu, công ty sẽ chuyển dần từ gia công sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm).

 

Tại buổi đối thoại, một số DN còn kiến nghị các giải pháp tăng cường thu hút đầu tư; đẩy mạnh, nâng cấp cơ sở hạ tầng...

 

Liên quan đến những vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế - ghi nhận, hứa sẽ cùng các ban, ngành liên quan tìm giải pháp thích hợp hỗ trợ DN.

 

Ông Nguyễn Thanh cũng khẳng định: Sở sẽ đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án hạ tầng dệt may; sớm phê duyệt đề án phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may. Về vấn đề lao động, Sở tranh thủ nguồn vốn khuyến công để tổ chức các khóa đào tạo nghề may nhằm hỗ trợ một phần nguồn lao động có tay nghề cho các DN.

 

 

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng đề án “Phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may” với diện tích khoảng 400ha, đặt tại KCN Phong Điền. Đề án được UBND tỉnh trình Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét phê duyệt.

 

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang